Truyền thông Thái Lan: Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng ở châu Á-TBD

Bài báo nhận định triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam, với lạm phát tương đối giảm, đi ngược lại với xu hướng tăng trưởng chậm lại của những nền kinh tế khác ở châu Á.
Truyền thông Thái Lan: Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng ở châu Á-TBD ảnh 1May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hoàng Tùng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mới đây, trang mạng thaipublica.org đăng bài viết nhận định Việt Nam đã trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Thái Lan.

Bài viết dẫn báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương" do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào ngày 28/10 vừa qua cho thấy triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam ngược lại với xu hướng tăng trưởng chậm lại của những nền kinh tế khác ở châu Á, với lạm phát tương đối giảm - cũng là một ngoại lệ đối với quy luật chung trong khu vực.

Một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cũng cho thấy việc kiềm chế lạm phát giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp.

Theo bài viết, đến nay, các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra khá hiệu quả. Lạm phát được duy trì ở mức thấp hơn nhiều nước.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho biết đà tăng trưởng vẫn ở mức tích cực, Việt Nam vẫn là một quốc gia có nền tảng cơ bản để tăng trưởng mạnh trong tương lai.

[Chuyên gia Trung Quốc ấn tượng với hiệu quả điều hành kinh tế Việt Nam]

Giới chuyên gia cho rằng những thành tựu này có thể là do Việt Nam đã áp dụng linh hoạt chiến lược sống chung an toàn với dịch COVID-19 và thành công trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Một loạt chính sách hiệu quả như tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, lãi suất thấp, trong khi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ cũng đã thúc đẩy sản lượng sản xuất mạnh mẽ và phục hồi hoạt động bán lẻ và du lịch.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang tăng cao - một yếu tố phần nào cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam.

Ông Chheang Vanarith, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Campuchia, nhận xét: "Ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính và gắn kết xã hội là những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn này, đồng nghĩa với việc Việt Nam có mức độ rủi ro thấp. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm những điểm đến ổn định và có thể đoán trước được."

Cũng theo bài viết, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có thể được coi là một bước đột phá trong quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trong đó luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, so với các nước khác, Việt Nam cũng có lợi thế hơn về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động.

Hiện, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn hơn 13 tỷ USD.

Về thương mại, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD và 6 tháng đầu năm đạt 10,6 tỷ USD.

Thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Thái Lan trong hơn một thập kỷ qua. Tất cả các tập đoàn hàng đầu của Thái Lan đều đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và dự kiến đầu tư ngày càng nhiều trong những năm tới.

Các nhà đầu tư Thái Lan quan tâm đến một loạt lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm thức ăn chăn nuôi và trồng trọt, năng lượng tái tạo, đóng gói, bán lẻ phân phối, hóa dầu, chế biến thực phẩm, sản phẩm nhựa và nước tăng lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.