Từ 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn

Doanh nghiệp nhập khẩu những nhóm hàng này của Việt Nam cần nhanh chóng khẩn trương liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/4.
Từ 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn ảnh 1Công nhân thu hoạch dầu cọ tại Pelalawan, tỉnh Riau, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết theo tuyên bố của Tổng thổng Indonesia Joko Widodo (Jokowi) vào chiều 24/4, kể từ ngày 28/4 tới đây, nước này sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.

Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách cấm này nhằm đảm bảo lượng dầu ăn trong nước được đầy đủ dồi dào với giá cả hợp lý.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn của chính phủ Indonesia nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước.

Giá dầu ăn tại Indonesia tăng mạnh từ đầu năm 2022 trở lại đây với mức tăng hơn 40%. Mức giá bán lẻ bình quân hiện nay tại thị trường Indonesia là 26.436 Rp/lít (1,84USD). 

Theo bà Siri Mulyan Indrawati, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, việc cấm xuất khẩu dầu ăn và dầu cọ thô của chính phủ Indonesia là biện pháp chính phủ buộc phải áp dụng khi các biện pháp bình ổn giá của chính phủ đối với dầu ăn bị thất bại. 

[Malaysia chuẩn bị khởi kiện EU lên WTO xung quanh tranh chấp về dầu cọ]

Trước đó việc thực thi áp dụng giá bán trần dầu ăn (HET) của chính phủ với mức giá 14.000 Rp đã hoàn toàn thất bại khi không có dầu ăn được bán với giá trần nêu trên tại thị trường.

Phản ứng trước lệnh cấm của chính phủ, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia-GAPKI tuyên bố hiệp hội tôn trọng quyết định của chính phủ tuy nhiên cũng lưu ý rằng nếu lệnh cấm này gây tác động tới tính bền vững của ngành dầu cọ, họ sẽ yêu cầu chính phủ phải đánh giá lại.

Trước việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô CPO và dầu ăn, doanh nghiệp nhập khẩu những nhóm hàng này của Việt Nam cần nhanh chóng khẩn trương liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/4.

Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ các thông tin cập nhật về chính sách, quản lý điều hành liên quan tới mặt hàng dầu cọ thô CPO và dầu ăn tại trang tin điện tử Bộ Thương mại Indonesia - www.kemendag.go.id; Hiệp hội Dầu cọ Indonesia - www.gapki.id (hoặc thông qua Thương vụ Việt Nam tại Indonesia). 

Tuy nhiên, nhiều khả năng chính phủ Indonesia sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do việc cấm xuất khẩu dậu cọ thô và dầu ăn sẽ dẫn tới tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp dầu cọ của nước này khi có khả năng sẽ dư thừa nguồn cung tới 60%. 

Các công ty chế biến dầu sẽ cắt giảm sản xuất, phúc lợi của nông dân trồng cọ bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu không được các nhà máy chế biến thu mua, dẫn tới bất ổn xã hội. 

Bên cạnh đó, việc cấm xuất khẩu cũng gây tổn thất cho nhóm hàng xuất khẩu này với giá trị tổn thất lên tới 3 tỷ USD/tháng (theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu và Luật pháp Indonesia).

Indonesia là một trong những thị trường cung ứng dầu thực vật lớn của Việt Nam với giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2021 lên tới 711 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.