Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt - Đưa sách Việt tới gần độc giả

Có một góc sách Việt hay tủ sách Việt song ngữ trong nhà hàng là niềm tự hào để các chủ quán người Việt giới thiệu cho khách về đất nước-con người-lịch sử... của Việt Nam ngay tại nước ngoài.
Một góc tủ sách văn học Việt tại nhà hàng Phở Sure ở thành phố Ostende của Bỉ. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Chiều 14/5, tại nhà hàng Phở Sure ở thành phố Ostende của Bỉ, kênh Việt Happiness Station khởi động dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài.”

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đây là nhà hàng Việt đầu tiên ở Bỉ và ở nước ngoài triển khai dự án này.

Chị Kiều Bích Hương, người phụ trách kênh Việt Happiness Station, cho biết đây là dự án mà chị và các cộng sự đã ấp ủ từ lâu bởi nhận thấy cần có thêm cách thức giới thiệu văn hóa Việt cũng như văn học Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người bản xứ một cách gần gũi, dễ tiếp cận hơn.

[Trang bị kỹ năng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài]

Không chỉ thông qua các hội chợ sách, thư viện, hay sự kiện giới thiệu sách- tọa đàm- giao lưu, mà sách Việt và văn học Việt cần được đặt thêm trong các không gian dễ "chạm tay" và thoải mái "mở ra" đọc hơn trong khi chờ gọi món Việt: đó là các nhà hàng Việt ở nước ngoài.

CHẠM và MỞ là phương châm mang sách đến với nhiều độc giả hơn của Kênh Việt Happiness Station- Trạm hạnh phúc- Chạm cảm xúc!

Có một góc sách Việt hay tủ sách Việt song ngữ trong nhà hàng cũng là niềm tự hào để các chủ quán người Việt giới thiệu cho khách về đất nước-con người-lịch sử-văn hóa- du lịch-nghệ thuật-ẩm thực... của Việt Nam ngay tại nước ngoài.

Chị Li Li Chong, người Malaysia (phải), trao đổi với chị Kiều Bích Hương, phụ trách Kênh Việt Happiness Station về dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài.” (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bỉ, chị Phương Mai, chủ nhà hàng Phở Sure cho biết chị có 3 con mang hai dòng máu Việt-Bỉ và tuần nào các cháu cũng đi thư viện tìm sách để đọc. Nhưng thư viện của thành phố chỉ có vài cuốn về Việt Nam và đều là những cuốn sách không phù hợp với thiếu nhi.

Thỉnh thoảng, có chị Việt kiều cũng sinh sống ở thành phố Ostende về Việt Nam công tác và khi sang đều mang theo một vài cuốn sách tặng cho các con của chị khiến các cháu rất thích.

Chị Mai cho rằng văn hóa đọc sách của người Pháp và người Bỉ rất phổ biến, vợ chồng chị lại có một nhà hàng và đây sẽ là một không gian đầm ấm cho mọi người vừa thưởng thức đồ ăn Việt vừa được đọc những cuốn sách Việt.

Khách đến nhà hàng không chỉ thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Việt Nam mà còn hiểu được tâm hồn của người Việt.

Nhà văn Kiều Bích Hậu chia sẻ với độc giả nhân dịp khởi động dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài.” (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Tại sự kiện ra mắt “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài” lần đầu tiên ở Ostende này, có sự tham dự của nhà văn Kiều Bích Hậu nhân dịp chị có chuyến công tác châu Âu dự các hội thảo văn học quốc tế tại Romania và Italy.

Nhà văn Kiều Bích Hậu đánh giá cao sáng kiến “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài” bởi vì theo chị, sách Việt hiện có phần "đuối" so với các phương tiện giải trí khác.

Việc đưa sách Việt đến với các nhà hàng Việt như một sự mới lạ. Trong cảm xúc nào đó, sách có thể chia sẻ, giúp cho tinh thần của con người được giải phóng, được cảm thấy thỏa mãn hơn, và có thể tìm thấy con đường đi của chính mình.

"Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt" chính là bước khởi đầu để triển khai các tủ sách tương tự ở các nhà hàng khác tại các quốc gia khác nhau.

Nhà văn Kiều Bích Hậu hứa khi trở về Việt Nam sẽ chia sẻ điều này với các nhà văn Việt Nam và với Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam để có một đường hướng dài hơn hỗ trợ cho dự án và kêu gọi các mạnh thường quân khác nữa cùng chung tay mở rộng tủ sách Việt Nam ở nước ngoài.

Nhân dịp này, nhà văn Kiều Bích Hậu đã giới thiệu các tác phẩm văn học song ngữ do nhóm Nữ dịch giả Hà Nội (Nhóm Hồng Hà nữ sỹ) tổ chức dịch và xuất bản ở nước ngoài từ 2019 tới nay.

Nhà văn Như Quỳnh de Prelle giới thiệu những cuốn sách của mình đóng góp vào dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài.” (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle, hiện sinh sống tại thủ đô Brussels, xúc động khi được đóng góp những cuốn sách của chính mình cho “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài."

Sinh sống ở Brussels từ hơn 10 năm nay, chị Như Quỳnh luôn đau đáu với tiếng Việt, sách Việt. Chị luôn mong muốn thể hiện cho các độc giả Bỉ thấy sự "giàu có" của văn học Việt Nam và lan tỏa nhiều hơn nữa sách Việt ở nước ngoài.

Về phần mình, anh Ronald Clercx, một khách hàng người Bỉ quen thuộc của nhà hàng Phở Sure, rất vui khi thấy một tủ sách văn học Việt Nam tại nơi này.

Anh cho rằng những cuốn sách văn học, đặc biệt những cuốn song ngữ sẽ giúp cho khách hàng hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam mà họ rất có tình cảm, đặc biệt qua ẩm thực Việt.

Anh cũng vừa có chuyến du lịch tại Việt Nam và cho biết anh rất ấn tượng và yêu quý đất nước hình chữ S, nơi có nhiều phong cảnh đẹp và con người hiếu khách.

Qua dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài," kênh Việt Happiness Station mong muốn sẽ cùng các nhà hàng trở thành sứ giả, cầu nối đưa sách Việt, đặc biệt là sách Việt song ngữ đến với nhiều người đọc hơn ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục