Ngày 16/1, các tín đồ thời trang đã nô nức đổ về thủ đô hoa lệ của nước Pháp để hòa mình vào không khí lễ hội của Tuần lễ Thời trang Paris - sự kiện được tổ chức hai lần mỗi năm.
Tuần lễ Thời trang Paris lần này sẽ giới thiệu các bộ sưu tập thời trang nam Xuân 2024 của 54 nhà mốt, trong đó 42 thương hiệu sẽ trình diễn trực tiếp và 32 thương hiệu khác tổ chức giới thiệu bộ sưu tập mới của mình.
Louis Vuitton là cái tên mở đầu tuần lễ thời trang năm nay, với nam ca sỹ Pharrell Williams trong vai trò giám đốc sáng tạo mới.
Nhà mốt đạt doanh thu 20 tỷ euro năm 2023 này thể hiện rõ chủ trương tận dụng những gương mặt nổi tiếng để củng cố danh tiếng trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt ở lĩnh vực thời trang.
Trong show diễn tối 16/1, những trang phục đậm chất miền Tây nước Mỹ được trình diễn trên nền những tiếng trống đặc trưng của thổ dân Mỹ.
Các người mẫu bước đi trên sàn catwalk với đôi ủng cao bồi bọc mũi bạc, những chiếc mũ cao bồi rộng vành và những chiếc áo sơmi lụa phương Tây hay bộ vest trang trí đinh tán màu ngọc lam...
Đây là buổi trình diễn thứ ba của nhà thiết kế Pharrell Williams, kể từ khi anh đảm nhận vai trò sáng tạo và định hướng cho dòng trang phục nam của Louis Vuitton vào năm ngoái.
Góp mặt cùng Pharrell Williams trong sự kiện diễn ra tại khu hội chợ Jardin d'Acclimatation ở Tây Paris lần này có thể còn có sự góp mặt của đại sứ mới của thương hiệu Louis Vuitton: Vận động viên bóng rổ LeBron James.
Không chỉ có Louis Vuitton, các nhà mốt Gucci, Chloe và Alexander McQueen đều có giám đốc sáng tạo mới vào năm ngoái.
Trong khi đó, Givenchy cũng chia tay giám đốc sáng tạo thời trang nam Matthew Williams trong tháng này. Người thay thế ông Matthew Williams vẫn chưa được công bố.
Sau tuần lễ thời trang nam tại Paris sẽ là tuần lễ thời trang cao cấp tại Milan (Italy), tiếp đó lần lượt là các sự kiện tương tự tại Miami (Mỹ), Copenhagen (Đan Mạch), New York (Mỹ), London (Anh).
"Guồng quay" thời trang sẽ quay trở lại với Milan và Paris trong các cuộc trình diễn trang phục nữ vào tháng Hai tới.
Chuyên gia thời trang Pierre Groppo của tạp chí Vanity Fair cho biết thủ đô nước Pháp "vẫn là thành trì của thời trang" khi những tên tuổi lớn như Chanel, Dior và Hermes vẫn thống trị xu hướng toàn cầu, cũng như sự hiện diện của một vài thương hiệu giá cả phải chăng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao như AMI và Officine Generale.
Theo ông Groppo, các thương hiệu thời trang lớn đã vượt ra ngoài phạm vi sản xuất quần áo. Những nhà mốt này hiện được xem là "người truyền tải thông điệp văn hóa hoặc những đài truyền hình giải trí" - nơi có sự giao thoa sinh lời giữa thời trang, âm nhạc và những người nổi tiếng./.