Từng bước phục hồi kinh tế kiểm soát tốt dịch trong tình hình mới

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ qua hơn 5 tháng, đến nay, tình hình dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Từng bước phục hồi kinh tế kiểm soát tốt dịch trong tình hình mới ảnh 1Lưc  lượng y tế tỉnh Phú Thọ khám sàng lọc cho người dân xã Sơn Vi (Lâm Thao, Phú Thọ) trước khi tiêm. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết tính từ 17h ngày 18/10 đến 17h ngày 19/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.034 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh; 3.027 ca ghi nhận trong nước (giảm 132 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.220 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất gồm Thành phố Hồ Chí Minh (907 ca); Bình Dương (500 ca); Đồng Nai (371 ca); Sóc Trăng (200 ca); An Giang (134 ca); Tây Ninh (104 ca)...

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 870.255 ca nhiễm; trong đó có 794.846 bệnh nhân đã được điều trị khỏi; 21.344 ca tử vong.

Hiện, 3.522 bệnh nhân nặng đang điều trị; 2.186 thở ô xy qua mặt nạ; 447 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 359 ca thở máy không xâm lấn; 509 ca thở máy xâm lấn; 21 ca ECMO.

Chiến lược vaccine của Việt Nam thành công trên ba phương diện

Sáng 19/10, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã họp phiên toàn thể bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ qua hơn 5 tháng, đến nay, tình hình dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc mới và tử vong đã giảm rõ rệt.

Giải trình trước Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đến nay, chiến lược vaccine đang diễn ra thành công trên ba phương diện. Cụ thể là vấn đề tăng mua, nhập khẩu vaccine; tăng cường sản xuất, nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị trong nước; chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.

Liên quan đến việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 12 tuổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, trong báo cáo với Trung ương, Bộ Y tế  đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên nhưng phải phụ thuộc vào nguồn cung, chất lượng vaccine, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.

[Chung sức vượt qua nghịch cảnh: Tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp]

Bộ trưởng lưu ý trong khi trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể dùng vaccine như hiện nay cho người lớn, vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi lại hoàn toàn khác. Do đó, để có thể quyết định sử dụng, tiêm chủng vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi phải có bước đi rất thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường nhưng tiêm cho đối tượng nào, sau thời gian bao lâu, sẽ theo thông lệ chung của cộng đồng quốc tế, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất là sau 6 tháng, cho một số đối tượng cụ thể và sẽ mở rộng dần. Bên cạnh đó, mặc dù đến nay y văn cũng như thực tế các nước trên thế giới chưa có đề cập đến tiêm mũi số 4, số 5 nhưng Bộ Y tế vẫn chuẩn bị cho kịch bản với vấn đề tổ chức tiêm như vậy.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế-cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo chủ động nguồn cung vaccine. Ngay cả thuốc điều trị, Bộ Y tế đã thử nghiệm trên một quy mô tương đối lớn và cho đến nay hiệu quả rất tốt. Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 86/NQ-CP, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp dược nhập khẩu nguyên liệu trước khi có đăng ký sản xuất để chủ động nguồn cung về thuốc trong tương lai.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ 1,7 triệu người bị ảnh hưởng dịch COVID-19  

Tính đến đầu ngày 19/10 đã có 728 đơn vị với trên 133,3 nghìn lao động tại 56 tỉnh, thành phố được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền lên tới 912,3 tỷ đồng.

Từng bước phục hồi kinh tế kiểm soát tốt dịch trong tình hình mới ảnh 2Thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đây là kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.

Hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận danh sách cho trên 1,94 triệu lao động của 56.900 đơn vị trên toàn quốc để hưởng các chính sách hỗ trợ. Cùng đó, có gần 51,7 nghìn lao động của 248 đơn vị được đơn vị sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 26,8 nghìn lao động của 187 đơn vị được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị đã giải quyết cho hưởng hỗ trợ từ quỹ này đối với 1,51 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 200 nghìn người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là 4.087 tỷ đồng.

Rà soát các điều kiện cho học sinh tới trường học trực tiếp

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Công văn này đã có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp, đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ.

Các trường học đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung, phục vụ công tác phòng, chống dịch…, cần nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên của các trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh; bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới.

Căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở thống nhất giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, chiều 19/10, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ đồng ý với đề xuất mở cửa trở lại trường học tại xã đảo Thạnh An.

Cụ thể, học sinh các khối 1, 2, 6, 9, 12 của Trường Tiểu học Thạnh An, Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Thạnh An sẽ được học tập, sinh hoạt trực tiếp tại trường từ ngày 20/11.

Đây là hai trường đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức dạy học trực tiếp trở lại sau thời gian các trường phải dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay.

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ có hai trường học gồm Trường Tiểu học Thạnh An, Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Thạnh An với gần 600 học sinh đang theo học.

Theo kế hoạch, từ ngày 20/10, Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Thạnh An sẽ tổ chức dạy học trực tiếp tại trường cho hơn 130 học sinh khối 6, 9, 12 sẽ đi học trực tiếp tại trường.

Trường Tiểu học Thạnh An có hơn 110 học sinh khối 1, 2 học trực tiếp tại trường. Học sinh các khối còn lại tiếp tục học bằng hình thức trực tuyến.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, 150 trường (trong tổng số hơn 1.500 trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19) được bàn giao lại cho ngành Giáo dục.

Các trường còn lại dự kiến đến giữa tháng 11/2021 sẽ chuyển giao cho ngành để sửa chữa, tổng vệ sinh chuẩn bị mọi mặt trước khi học sinh trở lại học trực tiếp. Dự kiến, đầu tháng 1/2022, tức là bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022, các trường học có thể tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.

Hà Nội hiện không có vùng nguy cơ cao

Sở Y tế Hà Nội vừa công bố chi tiết việc phân vùng nguy cơ dịch COVID-19 theo 4 cấp độ với từng xã, phường trên địa bàn thành phố. Bảng phân vùng này được tính theo phân bố ca mắc COVID-19 tại cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay.

Từng bước phục hồi kinh tế kiểm soát tốt dịch trong tình hình mới ảnh 3 Một cửa hàng bánh trên phố Huế thực hiện nghiêm túc 5K yêu cầu khách đến mua xếp hàng đảm bảo giãn khoảng cách. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo đó, thành phố có 343 xã, phường cấp độ 1 (vùng xanh); 236 xã, phường cấp độ 2 (vùng vàng). Hà Nội không có xã, phường nào thuộc cấp độ 3 và 4.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến 6 giờ ngày 19/10, trên địa bàn thành phố có 1.872 người về từ các tỉnh miền Nam, đều đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó phát hiện 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo, người dân về từ các tỉnh, thành có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, kể từ ngày về Hà Nội; luôn thực hiện 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý theo quy định.

Bảy tỉnh, thành phố Nam sông Hậu liên kết phối hợp

Ngày 19/10, Hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội giữa 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu đã được tổ chức. Lãnh đạo các tỉnh, thành cùng thảo luận về 7 lĩnh vực là y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ-du lịch-thương mại, lao động việc làm, thông tin truyền thông và giáo dục; đặc biệt là tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế -xã hội vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương ở cấp độ 1 và cấp độ 2, tạo điều kiện cho người dân lưu thông; thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung về công tác phòng, chống dịch để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương. Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương thống nhất xây dựng cơ sở chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị nội vùng để kịp thời hỗ trợ địa phương công tác tiếp nhận, điều trị hiệu quả bệnh nhân.

Thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải về tổ chức hoạt động vận tải của 4 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không), các địa phương cho phép hoạt vận tải hàng hóa nội địa, liên tỉnh bằng ôtô, đường thủy, bến thủy, cảng thủy nội địa và vận chuyển công nhân, chuyên gia trong nội địa, liên tỉnh bằng ô tô với tần suất 100%.

Để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, các tỉnh trong khu vực chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản bằng ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử; triển khai các chương trình kích cầu du lịch, liên kết phát triển du lịch, thí điểm mở cửa đối với các khách sạn của 7 tỉnh, thành phố; tạo điều kiện cho du khách thuê phòng khi đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Các tỉnh sẽ cung cấp thông tin nhu cầu lao động việc làm cho nhau thông qua các sàn giao dịch việc làm để tìm hiểu, giới thiệu lao động, việc làm trong 7 tỉnh, thành phố. Các tỉnh sẽ ban hành dự thảo phối hợp trong lĩnh vực giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục