Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Bộ Nội vụ Tunisia ngày 17/4 cho biết nhờ vào các thông tin tình báo, các lực lượng an ninh của tỉnh Sfax, cách thủ đô Tunis 270km về phía Đông, đã triệt phá một nhóm gồm 6 phần tử khủng bố hoạt động tại nhiều tỉnh của nước này.
Bộ trên cho biết, lực lượng an ninh đã bắt giữ một trong những thủ lĩnh của nhóm khủng bố này tại Sousse, cách thủ đô 180 km về phía Nam.
Nhóm trên đã tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo điều tra ban đầu, phần tử khủng bố này trở về từ Syria sau khi đã tham gia các hoạt động khủng bố và chiến đấu tại quốc gia này.
Hai tên khác trong nhóm trên bị bắt tại thành phố Mahrès trong khi hai phần tử khác bị bắt giữ tại thành phố Skhira, đều thuộc tỉnh Sfax.
Các lực lượng an ninh cũng đã bắt giữ một phụ nữ duy nhất trong nhóm trên.
Tất cả các phần tử khủng bố trên đã được giao nộp cho Cơ quan chống khủng bố tại Tunis và sẽ sớm bị đưa ra xét xử. Bộ Nội vụ Tunisia khẳng định đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.
Trước đó, ngày 14/4, lực lượng Hiến binh nước này kết hợp với lực lượng an ninh địa phương đã triệt phá một mạng lưới khủng bố thuộc IS hoạt động tại 4 tỉnh Kasserine, Monastir, Kef et Sfax.
Theo Bộ Nội vụ Tunisia, mạng lưới này gồm 12 phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
Các phần tử trên thú nhận chuyên cung cấp tài chính và dịch vụ hậu cần cho một nhóm khủng bố thuộc tổ chức có tên gọi Jond Al-Khilafa đã bị tiêu diệt tại Kasserine.
Mạng lưới này đã cung cấp những thông tin tình báo về hoạt động của các đơn vị quân đội và an ninh trong khu vực, cũng như tài chính và chất nổ cho nhóm khủng bố trên.
Kể từ năm 2011, Tunisia phải đối mặt tình trạng gia tăng các vụ tấn công khủng bố, phần lớn do nhánh Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) tiến hành nhằm vào lực lượng an ninh, khiến hàng chục binh sĩ và cảnh sát thiệt mạng.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện có hơn 5.500 công dân Tunisia ở độ tuổi từ 18-36 đã gia nhập các tổ chức khủng bố tại Syria, Iraq và Libya.
Tunisia lo ngại bạo lực từ Libya sẽ lan sang nước này khi IS lợi dụng cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng này để mở rộng các vùng lãnh thổ chiếm giữ./.