Tương lai quan hệ Nga-Saudi Arabia hậu cuộc chiến giá dầu

Xung đột giữa hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới khó có thể được giải quyết thông qua trung gian hòa giải là Mỹ, và đây là tín hiệu đáng báo động cho phía Nga.
Tương lai quan hệ Nga-Saudi Arabia hậu cuộc chiến giá dầu ảnh 1Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Công ty Aramco ở Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thời gian gần đây, Saudi Arabia muốn xóa đi những ấn tượng không tốt về cuộc chiến giá dầu diễn ra cách đây hơn hai tháng nhằm vào Nga, sau khi Moskva từ chối đề nghị cắt giảm thêm sản lượng theo thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, được gọi là OPEC+.

Tuy nhiên, dư âm của cuộc chiến vẫn còn đó. Xung đột giữa hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới khó có thể được giải quyết thông qua trung gian hòa giải là Mỹ, và đây là tín hiệu đáng báo động cho phía Nga.

Nhìn chung, dư luận Nga và Saudi Arabia đều tự hào về mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau và thân tình giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử kế vị Mohammed bin Salman.

Mối quan hệ cá nhân giữa họ đã giúp nâng tầm phát triển quan hệ trong những năm gần đây. Mặc dù phần lớn các dự án chung hiện nay mới chỉ ở bước chuẩn bị công bố, song tiến bộ đáng chú ý trong hợp tác song phương là không thể phủ nhận.

[Mối quan hệ đang biến đổi của trục dầu mỏ Nga, Saudi Arabia và Mỹ]

Ít nhất là kim ngạch thương mại giữa hai bên năm 2019 đã tăng 1,5 lần, đạt 1,6 tỷ USD.

Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử quan hệ hai nước, mặc dù con số kỷ lục đó còn rất khiêm tốn so với quy mô thương mại quốc tế của Saudi Arabia với các đối tác hàng đầu thế giới khác.

Hợp tác song phương cũng bao gồm những lợi ích chính trị. Các quốc gia Vùng Vịnh có thể đã làm phức tạp chiến lược của Nga khi năm 2015 phát động một chiến dịch quân sự Syria.

Saudi Arabia cũng thể hiện sự can thiệp của mình trong các chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Afghanistan và Chechnya. Tuy nhiên, thế đối đầu đã không xảy ra.

Ngược lại, 5 năm trở lại đây được xem là thời kỳ hoàng kim của mối quan hệ giữa Nga và các chế độ quân chủ ở Vịnh Ba Tư, bắt đầu từ các sự kiện tại Syria.

Việc thể hiện sức mạnh và khả năng thiết lập đối thoại với nhiều người chơi khác nhau ở khu vực giúp Nga đạt được ảnh hưởng chính trị quan trọng tại Trung Đông. Đáp lại, Saudi Arabia không hoàn toàn ủng hộ Nga về mặt chính trị, song tránh xảy ra mâu thuẫn trực tiếp.

Tổng thống Vladimir Putin để lại dấu ấn rất lớn tại Trung Đông khi đạt được những thỏa thuận cá nhân với Thái tử Mohammed, đặt nền móng cho thỏa thuận OPEC+ đầu tiên.

Sau sự kiện nhà báo Jamal Khashoggi của Saudi Arabia bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thái tử Mohammed bin Salman chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, không giống như nhiều quốc gia khác, phía Nga không tin những gì đã xảy ra có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.

Ngược lại, các liên hệ còn trở nên thân thiết hơn, nhưng chỉ sau hai năm họ đã không vượt qua một thử thách khác trong quan hệ song phương.

Vẫn còn khó nói về vai trò liên lạc cá nhân giữa nhà lãnh đạo Nga và Thái tử Saudi Arabia trong việc kết thúc cuộc chiến giá cả.

Tổng thống Nga đã không tiến hành đàm phán chính thức với Thái tử Mohammed bin Salman mà là với nhà vua Saudi Arabia. Hơn nữa, các cuộc đàm phán diễn ra đều có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Do đó, để hiểu được mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc chiến giá cả, chúng ta sẽ phải chờ đợi Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại Saudi Arabia.

Các liên lạc ở cấp độ thấp hơn giữa Nga và Saudi Arabia diễn ra bình thường.

Trong tháng 4 và tháng 5/2020, Nga đã xuất khẩu 120.000 tấn bột mỳ đến Saudi Arabia sau khi nước này cho phép nhập khẩu mặt hàng của Nga từ tháng 8/2019. Đây được coi là bước đột phá vì Saudi Arabia là một trong những nhà nhập khẩu bột mỳ lớn nhất thế giới với hơn 3,3 triệu tấn/năm.

Trên đà này, phía Nga cần mở một cuộc xúc tiến thương mại tại Saudi Arabia trước cuối năm nay.

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga cho rằng vài tuần đối đầu dầu mỏ sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án chung giữa hai nước. Cuộc đối thoại về dầu dường như cũng đang hồi phục khi cuộc họp tháng 5/2020 giữa hai vị Bộ trưởng Năng lượng diễn ra tốt đẹp.

Saudi Arabia cần quan hệ với Nga trước hết là để cân bằng phần nào đó áp lực nhiều tầng lớp của Mỹ đối với Vương quốc này, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh và vị thế của Thái tử Mohammed bin Salman, người bị Chính quyền Mỹ chỉ trích vi phạm nhân quyền.

Quan hệ hai nước thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà phần lớn không liên quan trực tiếp. Ví dụ, tình hình kinh tế Saudi Arabia sẽ tồn tại như thế nào trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Vương quốc này đang phải cắt giảm chi tiêu của Chính phủ và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều dự án cải cách tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman đang bị đe dọa.

Bên cạnh đó, mối quan hệ Saudi Arabia-Mỹ phát triển như thế nào cũng là một yếu tố quan trọng. Để Nga trở thành một đối trọng hiệu quả trong mối quan hệ Saudi Arabia-Mỹ thì còn phụ thuộc vào cách hành xử của Moskva.

Trong hai năm tới, Nga sẽ phải chứng minh cho toàn bộ Trung Đông thấy họ có khả năng không chỉ thực hiện thành công các chiến dịch quân sự mà còn là một nhà tạo lập hòa bình.

Điều này sẽ được trình diễn ở Syria, nhưng kết quả sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Nga với các đối tác toàn khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.