Tương lai Sáng kiến Biển Đen phụ thuộc vào sự nhượng bộ của EU với Nga

EU đang cân nhắc đề xuất thành lập một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga để tái kết nối nước này với hệ thống tài chính toàn cầu nhằm đổi lại việc Moskva gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Tương lai Sáng kiến Biển Đen phụ thuộc vào sự nhượng bộ của EU với Nga ảnh 1Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của thị trường, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ khó có thể được gia hạn, trừ phi Nga có được sự nhượng bộ đáng kể.

Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng là cách nhanh chóng đáp ứng mong đợi của Nga.

Theo tờ Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đề xuất thành lập một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga để tái kết nối nước này với hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong lúc Ngân hàng Nông nghiệp Nga đang chịu trừng phạt, động thái trên nhằm bảo vệ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.

Đề xuất của Nga sẽ cho phép chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga xử lý các thanh toán liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc.

Chi nhánh mới sẽ được phép sử dụng hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT vốn đã đóng cửa với các ngân hàng lớn nhất của Nga kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ủy ban châu Âu cũng từ chối bình luận. Tuy nhiên, các quan chức EU nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt của châu Âu không nhằm vào thương mại nông sản và thực phẩm, bao gồm ngũ cốc và phân bón, giữa các nước thứ ba và Nga.

Tuy nhiên, đề xuất này phức tạp ở chỗ Ngân hàng Nông nghiệp Nga hoàn toàn thuộc sở hữu của Điện Kremlin.

Cựu Giám đốc điều hành ngân hàng này, Dmitry Patrushev, hiện là Bộ trưởng Nông nghiệp, là con trai của ông Nikolai Patrushev, một trợ lý của Putin và Thư ký Hội đồng An ninh Nga.

EU đã cân nhắc về các biện pháp giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với một số công ty của Nga hoặc cho phép họ xuất khẩu một số hàng hóa vì lý do nhân đạo hoặc cung cấp cho các nước ở thế giới thứ ba.

Việc này đã vấp phải sự phản đối rằng những động thái như vậy sẽ giúp Điện Kremlin gia tăng nguồn kinh phí và duy trì cuộc chiến của mình.

[Lãnh đạo Đức, Ukraine kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen]

Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn trầm trọng hơn sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Thỏa thuận này được gia hạn ba lần nhưng sẽ hết hạn vào cuối tháng 7/2023.

Ukraine đã xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và lúa mỳ, theo thỏa thuận.

Ngày 3/7, Nga nhắc lại sự thiếu tin tưởng về triển vọng gia hạn thỏa thuận, do không đạt tiến triển trong việc thực thi các thỏa thuận đi kèm nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu của nước này.

Các thị trường ngũ cốc thế giới phiên 3/7 không phản ứng mạnh trước diễn biến trên, với giá ngũ cốc gần như không thay đổi. 

Tuần trước, Nga lên tiếng rằng nước này không có lý do để gia hạn thỏa thuận, dù khẳng định Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc đến các nước nghèo.

Trong khi đó, phó phát ngôn viên của Liên hợp quốc, Farhan Haq, cho biết các quan chức Liên hợp quốc đã làm việc với một số quốc gia, trong đó có các quốc gia châu Âu, nhằm tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.