Mẹ của Nguyen Linh cho rằng chị là lý do khiến bà “nghiện” món tương ớt Sriracha suốt 7 năm nay.
Trong một lần tới thăm nhà của chị ở Washington, mẹ chị đã rất thích hương vị thơm ngon đậm mùi tỏi, ớt và đường của món tương ớt này. Bà đã mua 5 chai Sriracha để mang về Việt Nam.
Năm ngoái, khi mẹ chồng chị đến thăm con, bà cũng yêu cầu có món tương ớt này trong mỗi bữa ăn.
Los Angeles Times cho biết ở Mỹ, Sriracha có những người “hâm mộ” trung thành và đông đảo. Họ làm phim về nó; các nhà hàng 5 sao cũng có nó. Sự cuồng nhiệt ấy đã lan sang Đông Nam Á, nơi loại tương ớt được một người Việt nhập cư sang Mỹ sáng tạo ra cách đây gần 4 thập kỷ ở Los Angeles bỗng nhiên tìm được chỗ đứng trên các kệ hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Món chấm “gốc Việt” đến từ Mỹ này cuối cùng cũng tìm đường trở về.
Nó là một trong số ít những thứ “khiến chúng tôi cảm thấy như đang ở nhà”, chị Nguyen, 46 tuổi, đang làm việc cho Ngân hàng Thế giới ở Washington cho biết. “Nó rất đặc biệt.”
Những quả ớt xanh đỏ nhỏ bằng ngón tay đi kèm với các món ăn Việt Nam, một quốc gia tự hào về các loại rau gia vị tươi và hương vị cân bằng của các món ăn. Tổng thống Obama cũng “nhập gia tùy tục” khi cho vài lát ớt cay vào bát bún chả của mình khi dùng bữa tại một quán bún chả ở Hà Nội vào năm ngoái cùng bếp trưởng Anthony Bourdain.
Người Việt Nam ăn cùng nhau trong không khí của miền nhiệt đới. Mùi rau thơm và nước mắm bám chặt vào những chiếc bàn ăn và ghế nhựa ngoài trời.
Những hương vị ấy đã thúc đẩy ông David Tran, một người Việt di cư sang Mỹ, bắt đầu sản xuất các loại sốt cay cách đây 42 năm. Ông Tran đã định cư ở Los Angeles, nơi ông quyết định làm ra một món chấm đặc sắc và đủ cay để phục vụ cho những người Đông Nam Á đang kéo đến thành phố sinh sống. Ông gọi công ty của mình là Huy Fong Foods.
“Chúng tôi bắt đầu công việc này vì chúng tôi thích tương ớt cay và tươi ngon,” ông Tran chia sẻ trên trang web của công ty.
Ông làm ra các loại sốt đầu tiên một cách thủ công, trong một chiếc xô. Một trong số đó được ông đặt tên là Sriracha, một biến thể của loại tương ớt Si Racha có nguồn gốc từ một thị trấn biển ở Thái Lan.
Loại sốt của ông có màu đỏ đậm, nhiều tỏi, có dấm và ớt jalapeno đựng trong một chai nhựa có nắp xanh với logo con gà trống. Và loại sốt này đã làm nên lịch sử.
Huy Fong Foods cho biết nhà phân phối của họ đã đưa sản phẩm tới Việt Nam. C. Pacific Foods, nhà phân phối tương ớt Sriracha, cho biết đã bán hơn 57.000 chai tương ớt từ khi làm việc với một khách hàng Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái.
Sriracha xuất hiện tại các cửa hàng như Phương Hà, một tiệm tạp hóa nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi chất đầy các chai tương cà chua Heinz, sốt chua ngọt và thức ăn cho mèo.
“Nhiều người Việt Nam thích Sriracha của Mỹ vì nó cay và đậm hương vị hơn của Thái Lan,” Diep Huong, một nhân viên lâu năm của cửa hàng cho biết.
Chị ước tính cửa hàng đang bán được khoảng 20 thùng một tháng. Nhiều người nước ngoài tới mua các sản phẩm nhập khẩu như chocolate hay bánh quy, nhưng cũng có nhiều người Việt mua tương ớt Sriracha của ông Tran.
Những chai Sriracha được đặt ngay cạnh các đối thủ của nó: một loại tương ớt đỏ của Thái Lan trông rất giống Sriracha và tương ớt của Cholimex.
Một chai Sriracha Mỹ có giá gần 5 USD, đắt hơn phiên bản Thái Lan khoảng 2 USD và đắt gấp 5 lần các loại tương ớt Việt Nam.
Tương ớt là một chủ đề gây tranh cãi ở một quốc gia như Việt Nam, nơi các món chấm là một phần không thể thiếu của nhiều bữa ăn. Người Việt Nam rất coi trọng các món ăn. Các quán ăn xuất hiện cả trong ngõ, tràn ra vỉa hè. Người miền Bắc coi việc cho thêm gia vị vào phở là làm “mất vị”, trong khi người miền Nam lại thêm đủ thứ rau gia vị vào bát họ.
“Người Việt thích ăn,” Vo Vu, người điều hành Saigon Street Eats, một tour du lịch ẩm thực ở thành phố Hồ Chí Minh cùng vợ mình cho biết. “Bạn có thể thấy ở đây người ta ăn cả ngày... Và chúng tôi thích nói về ăn uống.”
Vậy mà Sriracha vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Loại sốt này nhận được nhiều sự chú ý trên mạng khi xuất hiện ở các cửa hàng tạp hóa ở Thái Lan vào tháng 12 vừa qua hơn là khi nó đứng trên các quầy hàng ở đây. Các quầy hàng cho khách du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh bán áo phông Starbucks, nhưng ít có tiệm tạp hóa nào ở chợ bán tương ớt con gà Sriracha.
Người ta có thể tìm thấy nó ở các cửa hàng tạp hóa lớn, nhưng các quầy hàng nhỏ bán trứng tươi và mỳ tôm thì không có.
“Một số người đã quen với việc ăn Sriracha với phở, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ thay thế được các loại ớt khác trong nhà bếp của người Việt,” đó là nhận xét của Andrea Nguyen, một người miền Bắc California và là tác giả của vài cuốn sách về ẩm thực Việt Nam. “Sriracha không thuộc về ẩm thực Việt Nam. Nó là một loại sốt của Thái Lan.”
Anh Vo Vu, người điều hành tour du lịch ẩm thực, lần đầu tiên biết tới “tương ớt con gà” cách đây 4 năm khi đang hướng dẫn cho một nhóm khách đến từ Texas, Mỹ.
“Họ muốn Sriracha chính cống và tất cả những gì tôi nói được là ‘sir-cha-gì cơ?’”
Từ đó tới nay, anh đã tìm được Sriracha. Mặc dù cho rằng hương vị của nó ngon, nhưng anh không rõ liệu nó có trở nên phổ biến hay không “trừ phi người ta làm nó cay hơn.”
Cũng như nhiều nơi khác, ở Việt Nam có những người hoài nghi, nhưng cũng có những người yêu thích. Thành công trong tương lai của Sriracha ở đây phụ thuộc vào việc giành được cảm tình của những người sành ăn.
“Sriracha của Mỹ có màu tươi hơn, vị đậm đà hơn,” Nguyen Ly, một sinh viên 22 tuổi đang theo học ngành kỹ thuật nhận xét khi đang lục tìm giữa những chai tương ớt trong một siêu thị ở tầng hầm một trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ly từng được ăn thử một chút Sriracha ở Mỹ, và từ đó đến nay cô vẫn tìm mua loại tương ớt này. “Tôi không ăn tương ớt Việt Nam vì vị của nó không hẳn giống như thế,” cô nói.
Một lần nữa, cô nhìn lại kệ hàng xếp đầy các loại tương đỏ, được pha chế với đủ thứ từ ớt ngọt đến dấm trắng, nhưng không có Sriracha. Cô đành đẩy xe đi tiếp./.