Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác nhiều mặt ngày càng tốt đẹp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Việt Nam và Canada cùng quyết định xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.
Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước khi tiến hành hội đàm tại Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-9/11.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Justin Trudeau đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại cuộc hội đàm ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Justin Trudeau đã thông qua Tuyên bố chung về việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Canada.

Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung:

Việt Nam và Canada quyết định tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước theo hướng toàn diện, thực chất, hiệu quả, ổn định và lâu dài trên bình diện song phương, khu vực và thế giới, đáp ứng lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và luật pháp của mỗi nước.

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác nhiều mặt ngày càng tốt đẹp giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Việt Nam và Canada cùng quyết định xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada trên các lĩnh vực sau:

Về Chính trị và Ngoại giao:

1. Việt Nam và Canada sẽ tiếp tục trao đổi các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao và đối thoại thường xuyên giữa quan chức cao cấp của hai Chính phủ, bao gồm Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng; hoan nghênh giao thiệp giữa các cơ quan Đảng và Quốc hội hai nước.

2. Việt Nam và Canada sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các thể chế đa phương như Liên hợp quốc (UN), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng đồng Pháp ngữ. Hai nước tái khẳng định cam kết chung trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới, ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và sẽ xem xét hợp tác trên các lĩnh vực liên quan cùng quan tâm trong các khuôn khổ song phương và đa phương trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

3. Việt Nam và Canada nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật trên biển và đại dương, bao gồm Biển Đông. Cách tiếp cận này dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, thương mại và việc sử dụng đại dương vì các mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

4. Việt Nam và Canada khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế.


[Lãnh đạo Việt Nam-Canada nhất trí xác lập quan hệ Đối tác toàn diện]

5. Việt Nam và Canada nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực, ủng hộ những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thượng tôn pháp luật, vững mạnh và thịnh vượng và hoan nghênh những sáng kiến của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, an ninh và chống đối đầu ở khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

6. Việt Nam và Canada sẽ tiếp tục phối hợp nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, bao gồm chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các thách thức phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh biển, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường. Việt Nam và Canada sẽ nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sống, chống lại nạn buôn lậu và khai thác bất hợp pháp, và ủng hộ thực thi Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

7. Việt Nam và Canada nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển quyền con người phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của mỗi nước, bao gồm ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và sẵn sàng tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Về Thương mại và Đầu tư:

8. Việt Nam và Canada cam kết coi thương mại và đầu tư hai chiều là động lực quan trọng của quan hệ giữa hai nước. Hai nước sẽ duy trì quan tâm đến thị trường mỗi nước như là các thị trường quan trọng và thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương trong các lĩnh vực chủ chốt.

9. Việt Nam và Canada sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại và kịp thời giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ thương mại-đầu tư trên nguyên tắc hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường hợp tác tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-tài chính đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

10. Việt Nam và Canada sẽ trao đổi về tiềm năng của Hiệp định thương mại tự do Canada-ASEAN và thúc đẩy thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Về Hợp tác phát triển:

11. Việt Nam và Canada ghi nhận đóng góp của lĩnh vực hợp tác phát triển trong tổng thể quan hệ chung hai nước trong những thập kỷ qua và sẽ duy trì các quan hệ đối tác mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững của quan hệ song phương. Canada đánh giá cao các thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo từ những năm 1990 và các mục tiêu phát triển hiện nay được đề ra trong Báo cáo “Việt Nam 2035.” Việt Nam đánh giá cao viện trợ phát triển chính thức của Canada dành cho Việt Nam và quan hệ đối tác nhiều năm qua trong lĩnh vực hợp tác phát triển.

12. Việt Nam và Canada tái cam kết thực hiện các điều khoản của Hiệp định chung về Hợp tác phát triển năm 1994 như là nền tảng của quan hệ đối tác này. Hai nước cam kết duy trì đối thoại chính sách vốn có nhiều năm qua về tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong lĩnh vực phát triển, coi đây là mục tiêu lợi ích chung và những điều kiện tiên quyết nền tảng cho sự tiếp tục hợp tác của hai bên.

13. Canada nhận thấy cần có một cách tiếp cận mới chiến lược hơn đối với hợp tác phát triển giữa hai nước và sẽ tìm cách phân bổ các nguồn lực cho các chương trình phù hợp với Chính sách hỗ trợ phụ nữ quốc tế của Canada và đáp ứng trực tiếp đối với các thách thức phát triển của Việt Nam như xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, được xác định tại Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2016-2020. Theo đó, hợp tác phát triển của Canada sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Về Quốc phòng và An ninh:

14. Việt Nam và Canada chia sẻ lợi ích chung đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục phối hợp tại các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương và đa phương về các vấn đề quốc phòng, an ninh, xây dựng năng lực và huấn luyện.

15. Việt Nam và Canada sẽ tìm kiếm và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai, cũng như các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm và có lợi ích. Việt Nam và Canada sẽ tiếp tục tìm các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua Chương trình Hợp tác và Huấn luyện quân sự quốc tế và các chương trình đào tạo của phía Việt Nam.

16. Việt Nam và Canada quyết định nghiên cứu các lĩnh vực hợp tác mới để tăng cường an ninh, bao gồm xây dựng năng lực trong các lĩnh vực có lợi ích chung.

Về Văn hóa và Giáo dục:

17. Việt Nam ghi nhận tích cực những nỗ lực của Canada nhằm thu hút nhiều sinh viên Việt Nam hơn theo học tại các cơ sở giáo dục của Canada. Canada hoan nghênh có nhiều sinh viên Việt Nam hơn nữa tìm kiếm các cơ hội giáo dục tại Canada.

18. Hai nước nhận thức lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh bang của Canada và quyết định tăng cường và tạo thuận lợi cho mở rộng hợp tác và trao đổi học thuật, bao gồm thông qua việc thiết lập các quan hệ đối tác và các chương trình trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục của hai nước.

Về Khoa học-công nghệ và Sáng tạo:

19. Việt Nam và Canada sẽ thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sạch và bền vững, nông nghiệp và thực phẩm, công nghệ thông tin truyền thông, nghiên cứu môi trường và nghiên cứu biển, giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu. Mục tiêu là để tạo điều kiện cho sự tham gia của nhiều thành phần nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các chủ đề cùng quan tâm. Hai nước nỗ lực hơn nữa tìm kiếm các cơ hội tiềm năng để cộng tác về nghiên cứu và phát triển, triển khai và thương mại hóa công nghệ sạch, tiên tiến và sáng tạo để ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Về Giao lưu nhân dân:

20. Việt Nam và Canada hoan nghênh quan hệ mạnh mẽ và ngày càng gia tăng giữa nhân dân hai nước trên nhiều tầng nấc trong xã hội, bao gồm các giới doanh nghiệp, học thuật, truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch và các tổ chức phi chính phủ. Việt Nam và Canada sẽ phối hợp thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ này thông qua hợp tác trên nhiều lĩnh vực và giữa các địa phương hai nước. Việt Nam và Canada ghi nhận những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đối với Canada. Với chính sách đa văn hóa, Canada hoan nghênh các giá trị và văn hóa Việt Nam và điều này tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Hai nước khuyến khích các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước để thúc đẩy quan hệ hữu nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục