Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới tương lai

Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới tương lai.
Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới tương lai ảnh 1 Thiếu nhi thủ đô Hà Nội vẫy cờ hai nước chào mừng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân sang thăm Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/3. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Moon Jae-in.

Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới tương lai. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in và Phu nhân tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/3/2018. Trong thời gian chuyến thăm, Tổng thống Moon Jae-in đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

2. Đánh giá về sự phát triển của quan hệ hai nước, phương hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới: Hai bên đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao được tiến hành thường xuyên; với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, du lịch, đã có những bước tiến triển lớn, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân ngày càng sôi động, mật thiết. Hai nước đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao việc Hàn Quốc là đối tác lớn thứ nhất về đầu tư, đứng thứ hai về ODA, du lịch của Việt Nam; nhất trí cho rằng kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 4 của Hàn Quốc, Hàn Quốc vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam; các lĩnh vực hợp tác về chế tạo, năng lượng, văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động... đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Lãnh đạo cấp cao hai nước chia sẻ ý kiến rằng, việc phát triển quan hệ hai nước mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nhanh chóng, trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển vững chắc của quan hệ hai nước, hai bên kế thừa và tiếp nối những thành tựu phát triển quan hệ 25 năm qua, củng cố hơn nữa nền tảng quan hệ hợp tác cùng có lợi, tích cực, sáng tạo thúc đẩy mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, hướng đến nâng cấp và làm phong phú hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc trong thời gian tới.

Tổng thống Moon Jae-in giới thiệu về Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc với tầm nhìn hợp tác trọng tâm là thịnh vượng chung, con người làm trung tâm, hòa bình; nhấn mạnh, trong khuôn khổ đó, Hàn Quốc sẽ nỗ lực để phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam-một nước quan trọng trong ASEAN. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Chính sách hướng Nam mới, khẳng định Việt Nam, với vai trò là đối tác trọng tâm của chính sách hướng Nam mới sẵn sàng đóng vai trò tích cực thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hàn Quốc.

3. Thúc đẩy giao lưu cấp cao: Hai bên nhấn mạnh, giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước; nhất trí giao lưu cấp cao thường niên thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, gặp gỡ tại các hội nghị đa phương.

4. Tăng cường các kênh giao lưu: Lãnh đạo hai nước đạt nhận thức chung về việc tăng cường và làm sâu sắc các cơ chế giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương, Quốc hội, chính đảng, các tổ chức, tầng lớp xã hội, tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.

5. Hợp tác ngoại giao an ninh, quốc phòng, công nghiệp quốc phòng: Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược, đóng góp vào hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí việc thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao hai nước, tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc thường niên giữa Lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao để thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước; tiếp tục ủng hộ và hợp tác để các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước hoạt động thuận lợi.

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; mở rộng và làm phong phú các nội dung hợp tác về an ninh, cảnh sát, bao gồm lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ thực thi pháp luật; sớm thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng” giữa Bộ Quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.


6.
Phát triển quan hệ thế hệ tương lai: Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí thúc đẩy giao lưu, trao đổi đoàn, củng cố tình hữu nghị giữa thế hệ trẻ hai nước, đóng góp vì tương lai quan hệ Việt-Hàn; nỗ lực tăng cường chính sách hỗ trợ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em của hơn 60.000 gia đình đa văn hóa Việt-Hàn. Ngoài ra, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nỗ lực để vun đắp các gia đình này trở thành cầu nối vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước, bồi dưỡng để thế hệ thứ hai trong các gia đình Việt-Hàn có thể có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.


7.
Hợp tác giáo dục: Lãnh đạo cấp cao hai nước cho rằng, hợp tác giáo dục trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa giữa hai nước; nhất trí tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô hợp tác giáo dục, thúc đẩy thành lập khoa Việt Nam học và việc dạy tiếng Việt tại Hàn Quốc cũng như khoa Hàn Quốc học và việc dạy tiếng Hàn tại Việt Nam. Ngoài ra, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tạo điều kiện nhằm tổ chức ổn định, hiệu quả Diễn đàn nguồn nhân lực Việt Nam-Hàn Quốc.

8. Giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể thao: Lãnh đạo cấp cao hai nước chia sẻ rằng giao lưu văn hóa nghệ thuật sôi nổi đã giúp tăng sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước; nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hợp tác về thể thao.

9. Hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân: Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao du lịch song phương và giao lưu nhân dân đã phát triển mạnh mẽ; nhất trí tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi hơn nữa cho giao lưu hữu nghị nhân dân, mở rộng hợp tác du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách hai nước.

10. Hợp tác y tế và phúc lợi: Lãnh đạo hai nước cùng giới thiệu những nỗ lực nhằm tăng cường phúc lợi, bảo đảm y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác cùng có lợi về y tế, an toàn thực phẩm, dược phẩm, tăng cường hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ phát triển an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân hai nước.

11. Đầu tư: Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí khuyến khích hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, khu công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới tăng trưởng tương lai. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng quy mô lớn cũng như sự quan tâm của Hàn Quốc đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tích cực trao đổi nhằm sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, sớm hoàn thiện các thủ tục để ký kết Hiệp định bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc; tăng cường hợp tác công nghệ trong tài chính, mở rộng việc tham gia thị trường của các công ty tài chính hai nước phù hợp quy định pháp luật của mỗi bên nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lâu dài cho cả hai bên. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp dân sự và thương mại.


12.
Thương mại: Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển cân bằng, bền vững, nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Lãnh đạo hai nước nhất trí thực hiện các biện pháp để cân bằng thương mại, đẩy nhanh quy trình đánh giá, kiểm nghiệm, tăng cường và hỗ trợ công nghệ đối với quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ để nâng cao kim ngạch thương mại của các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam; hợp tác để mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, Lãnh đạo hai nước nhất trí cùng nỗ lực để thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2018, tăng cường mở rộng mạng lưới thương mại tự do trong khu vực.

13. Hợp tác phát triển: Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đánh giá cao viện trợ hợp tác phát triển của Hàn Quốc đã đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, hy vọng hợp tác phát triển với Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Việt Nam là đối tác hợp tác phát triển lớn nhất, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển đóng góp thực chất vào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hỗ trợ hợp tác phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hạ tầng, đô thị thông minh, năng lượng sạch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực và hành chính công, xây dựng chính phủ điện tử, triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác tài chính và Hiệp định khung về các khoản tín dụng quỹ EDCF. Đồng thời quyết định cung cấp các khoản viện trợ phát triển chính thức phù hợp với điều kiện và nhu cầu của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí cùng nỗ lực để góp phần đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật Việt Nam trong việc thực hiện hiệu quả dự án VKIST.

14. Hợp tác môi trường: Hai bên nhất trí cho rằng, hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước đã đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế; nhất trí triển khai hợp tác toàn diện về môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế hợp tác, trong đó bao gồm Hội nghị Bộ trưởng môi trường Việt Nam-Hàn Quốc thường niên, phối hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế và phát triển cộng đồng chung thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm. Đặc biệt, tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác công nghệ môi trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, cấp thoát nước, xử lý phế thải, đa dang sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

15. Hợp tác kinh tế hướng tới tương lai: Lãnh đạo hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, thông tin truyền thông hiện đại phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của mỗi nước và môi trường kinh tế quốc tế mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng phó biến đổi khí hậu, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác giữa các Bộ ngành, địa phương hai bên. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu công nghệ khí hậu, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.

16. Hợp tác chế tạo: Lãnh đạo hai nước cho rằng hợp tác trong lĩnh vực chế tạo thời gian qua đã đóng góp lớn cho việc mở rộng hợp tác kinh tế hai nước; nhất trí tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác chế tạo, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ về công nghiệp phụ trợ, ôtô, cơ khí, dệt may, điện tử..., đồng thời hỗ trợ hợp tác lẫn nhau để mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ngoài ra, Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thành lập Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (TASK) tại Việt Nam vì sự phát triển cùng có lợi của ngành công nghiệp hai nước và hỗ trợ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.

17. Hợp tác năng lượng: Lãnh đạo hai nước đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực phát triển nhà máy điện đã đóng góp vào sự phát triển của ngành điện lực và cung cấp điện của Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió biển, gió đất liền, tiết kiệm năng lượng, an toàn năng lượng, xây dựng kho chứa khí hóa lỏng (LNG).

18. Hợp tác nông nghiệp: Lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân; nhất trí mở rộng hợp tác phát triển kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình/dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ ngành nông nghiệp, cùng nỗ lực vì sự phát triển đôi bên cùng có lợi của ngành công nghiệp gạo hai nước và cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

19. Hợp tác lao động: Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc nhân dịp này; nhất trí cùng thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

20. Hợp tác cơ sở hạ tầng mũi nhọn và phát triển đô thị: Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác cơ sở hạ tầng và giao thông và Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng và phát triển đô thị nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực liên quan, nhất trí phát huy vai trò Trung tâm hợp tác về giao thông vận tải Việt Nam-Hàn Quốc, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng thông minh, hoan nghênh mở rộng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan chính phủ, cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp hai nước trong xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng đường cao tốc Gyeongbu và sân bay Incheon.

21. Hợp tác khu vực và quốc tế: Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường trao đổi, hợp tác trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm cũng như tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc, Hợp tác Mê Công-Hàn Quốc; trao đổi, phối hợp chặt chẽ nhằm ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế.

Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm ký Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Lãnh đạo hai nước nhất trí rằng tiến triển trong quan hệ liên Triều, việc giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh cửu trên Bán đảo Triều Tiên là thiết yếu đối với hòa bình, thịnh vượng của không chỉ Bán đảo Triều Tiên mà còn của cộng đồng quốc tế. Việt Nam chúc mừng Hàn Quốc tổ chức thành công Olympic PyeongChang hòa bình, hữu nghị; bày tỏ lập trường hoan nghênh và ủng hộ tích cực đối với những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thúc đẩy đối thoại liên Triều.


22.
Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình hành động trong lĩnh vực hợp tác thương mại giai đoạn 2018-2020 nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD, Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp hỗ trợ, Bản ghi nhớ hợp tác cơ sở hạ tầng và giao thông, Bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và phát triển đô thị, Bản ghi nhớ hợp tác ứng phó Cách mạng công nghiệp 4.0, Bản ghi nhớ hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam-Hàn Quốc; ngoài ra, nhiều Bản ghi nhớ hợp tác khác cũng đã được ký kết nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực nhân dịp chuyến thăm.

23. Lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Moon Jae-in đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đóng góp vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in và Phu nhân chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Việt Nam và trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời./.

Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới tương lai ảnh 2
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục