Tuyến đường ống khí đốt Trung Á-Trung Quốc trì hoãn vô thời hạn

Theo truyền thông Nga, CNPC và Uzbekneftegaz đạt thỏa thuận về trì hoãn vô thời hạn việc xây tuyến đường ống chạy qua lãnh thổ Uzbekistan, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng Trung Quốc giảm.
Tuyến đường ống khí đốt Trung Á-Trung Quốc trì hoãn vô thời hạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: shutterstock.com)

Truyền thông Nga mới đây dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn khí đốt Nhà nước Uzbekistan (Uzbekneftegaz) đã đạt thỏa thuận về trì hoãn vô thời hạn việc xây dựng tuyến đường ống chạy qua lãnh thổ Uzbekistan, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc suy giảm.

Theo dự kiến, dự án tuyến đường ống D (tuyến số 4) dài 1.000km bắt nguồn từ Turkmenistan, chạy qua Uzbekistan, Tadjikistan, Kyrgyzstan và đích đến là miền Tây Trung Quốc.

Khi hoàn thành, tuyến đường ống này sẽ nâng tổng khả năng chuyên chở khí đốt từ Trung Á tới Trung Quốc lên mức 85 tỷ m3/năm.

Tuyến đường này ngắn hơn, nhưng gây ra những tranh cãi ngoại giao lớn hơn so với các tuyến đường ống A, B, C đã hoặc sắp đi vào vận hành và cả ba đều từ Turkmenistan nhưng chỉ chạy qua Uzbekistan và Kazakhstan.

Ba tuyến đường ống hiện nay cho phép các nước Trung Á xuất sang Trung Quốc khoảng 55 tỷ m3/năm, tương đương 20% tổng mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc.

Theo các hợp đồng do CNPC ký kết, tuyến A và tuyến B có khả năng chuyên chở 13 tỷ m3 khí đốt từ dự án Amu Darya ở mỏ Bagtyyarlyk thuộc Turmenistan cùng với khoảng 17 tỷ m3 khí đốt từ Turkmengaz.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ nhập khẩu từ 10 tỷ m3 khí đốt từ Turkmenistan, 10 tỷ m3 khí đốt từ Uzbekistan và 5 tỷ m3 khí đốt từ Kazakhstan qua tuyến C.

Trong khi đó, việc triển khai xây dựng tuyến D lại gặp nhiều trở ngại hơn.

Liên quan đến phần xây dựng 200 km đường ống trên lãnh thổ Uzbekistan, liên danh CNPC-Uzbekneftegaz được thành lập năm 2014, chịu trách nhiệm thực hiện dự án với số vốn ước tính vào khoảng 800 triệu USD.

Theo kế hoạch ban đầu, công việc xây dựng sẽ bắt đầu vào tháng 4 và 5/2016, nhưng lại lùi lại đến tháng 12/2016.

Đến tháng Một vừa qua, quan chức hai bên vẫn giữ thái độ lạc quan, dự đoán việc khởi công sẽ diễn ra vào giữa năm nay.

Nhưng Hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn các nguồn tin cho biết cả Trung Quốc và Uzbekistan đều thống nhất trì hoãn Tuyến D, mà không đưa ra ngày triển khai cụ thể.

Biểu hiện rõ nhất là việc chi phí tài chính cho tuyến đường ống hiện không nằm trong chương trình đầu tư năm 2017 của Chính phủ Uzebekistan, do “công việc chuẩn bị chưa hoàn tất” cũng như “hoạt động tại liên doanh” CNPC-Uzbekneftegaz.

Đây là tin xấu với Turkmenistan, nước cho đến nay đang vướng vào thế kẹt với Trung Quốc vốn là khách hàng duy nhất, sau khi ngừng bán khí đốt cho Iran từ tháng Một vừa qua do những tranh cãi về phương thức thanh toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.