Tuyên truyền thành quả phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia

Hội nghị tạo thuận lợi cho việc triển khai các văn kiện pháp lý trên thực địa, góp phần củng cố tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Tuyên truyền thành quả phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 7/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị tuyên truyền: "Thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia" theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị có sự tham dự của 60 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành liên quan; 4.500 đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, các đồn biên phòng tại gần 250 điểm cầu gồm điểm cầu Trung ương và của 10 tỉnh có đường biên giới với Campuchia.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Phùng Thế Long đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm cung cấp thông tin cập nhật về sự phát triển trong quan hệ hai nước; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của hai văn kiện pháp lý về biên giới được hai nước Việt Nam-Campuchia ký kết và có hiệu lực từ ngày 22/12/2020 tới các tầng lớp nhân dân 10 tỉnh biên giới với Campuchia là: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

[Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia]

Hội nghị cũng tạo thuận lợi cho việc triển khai các văn kiện pháp lý trên thực địa, góp phần củng cố tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Qua đó, đấu tranh phản bác với những thông tin sai lệch, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về các vấn đề liên quan tuyến biên giới đất liền giữa hai nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Phùng Thế Long đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thành xây dựng đường biên giới hiện đại, được ghi nhận bằng văn kiện pháp lý quốc tế đối với công tác bảo vệ cương vực quốc gia, đối với công tác quản lý, bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới, từ đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cũng như tăng cường giao lưu và hợp tác hữu nghị giữa các nước láng giềng; trong đó có 2 văn kiện pháp lý về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia ghi nhận khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước.

Đồng chí Phùng Thế Long khẳng định, việc hai nước thúc đẩy hai văn kiện pháp lý đi vào hiệu lực là tiền đề quan trọng củng cố cơ sở pháp lý quốc tế để hai nước tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần không ngừng tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đoàn kết truyền thống, vì lợi ích và phồn vinh của nhân dân hai nước.

Đồng chí Phùng Thế Long đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung nắm bắt thông tin nhằm tham mưu, triển khai các hình thức linh hoạt, kịp thời tổ chức phổ biến hai văn kiện pháp lý trên đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các địa phương; đặc biệt là nhân dân các huyện, xã biên giới để nâng cao nhận thức và cùng phối hợp triển khai quản lý, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Cùng với đó, các địa phương biên giới phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh đối diện của Campuchia trong việc nâng cao năng lực công tác quản lý biên giới, chung tay bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc; ủng hộ chủ trương, chính sách của hai nước trong quản lý, bảo vệ biên giới; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc để chống phá chính quyền ở mỗi nước và quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Bộ Ngoại giao đã thông tin đến đại biểu về tiến triển trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia hiện nay; khái quát quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc giữa hai nước, phổ biến nội dung hai văn kiện pháp lý vừa có hiệu lực, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các nhiệm vụ tuyên truyền cần triển khai trong thời gian tới. Hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, giải đáp thắc mắc của các đại biểu từ tất cả các điểm cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục