Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang cận kề, lực lượng biên phòng các địa phương đang tích cực vừa vận động bầu cử vừa đảm bảo an ninh biên giới.
Hà Tĩnh: Bảo vệ biên cương, hải đảo, hướng tới ngày hội bầu cử
Lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh vừa tích cực đẩy mạnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền biển đảo vừa giám sát phòng, chống dịch COVID-19 để góp phần cho ngày hội non sông diễn ra trọn vẹn.
Có mặt tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà vào giữa tháng 5/2021, chúng tôi chứng kiến rất đông tàu, thuyền nhộn nhịp vào cập bến để ngư dân tiếp nhiên liệu cũng như mua sắm nhu yếu phẩm chuẩn bị cho những chuyến ra khơi.
Miệt mài với phần việc của mình, các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa Sót cùng với cán bộ cảng cá, chính quyền xã Thạch Kim đến từng khoang tàu, từng điểm kinh doanh, dịch vụ để phát tờ rơi yêu cầu ngư dân, người buôn bán thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thượng úy Trần Thanh Hùng, Phó đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Cửa Sót cho biết, trước ngày bầu cử, đồn xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ hiểu mục đích, ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm của công dân. Vào sáng và chiều hằng ngày, khi ngư dân đánh cá quay về, lực lượng biên phòng cùng với các đơn vị chức năng tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, về ngày bầu cử, từ đó để cử tri chủ động đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử, thực hiện nghĩa vụ công dân.
Anh Trần Văn Khảo ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (Bình Định) chia sẻ: "Chúng tôi đi biển dài ngày, hôm nay vào đây nghe loa phát thanh và được các anh biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền về bầu cử. Chúng tôi sẽ về quê làm nghĩa vụ công dân của mình, trước khi có kế hoạch cho chuyến ra khơi tiếp theo".
Đồn Biên phòng Cửa Sót xây dựng kế hoạch nhiệm vụ “kép” tổ chức tuần tra kiểm soát vùng biển, hải đảo vừa đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân bám biển, gắn với việc phòng, chống dịch bệnh, hướng tới ngày hội non sông. Hàng trăm ngư dân các xã Thịnh Lộc, Thạch Bằng, Thạch Kim (huyện Lộc Hà) và các xã Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Hội (huyện Thạch Hà) được lực lượng Đồn Biên phòng Cửa Sót, chính quyền địa phương tiếp cận, phát tời rơi tuyên truyền về hình thức, ngày bầu cử để có kế hoạch ra khơi và về đúng ngày thực hiện nghĩa vụ công dân.
Tại cồn Gò, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, trong khi nơi hoạt động buôn bán cá diễn ra tấp nập, mọi người cũng không quên đeo khẩu trang phòng dịch. Người dân luôn lắng nghe tiếng loa cầm tay của lực lượng biên phòng để hiểu rõ quyền công dân của mình.
Thiếu tá Đinh Sỹ Tiến, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm cho biết: Thời gian này chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ khu vực biên giới biển. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân đánh cá trên biển về ngày hội bầu cử cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh Hà Tĩnh có hàng ngàn người làm nghề đánh bắt cá trên biển ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Trong thời gian này, ngư trường rất thuận lợi, ngư dân luôn bám biển để những chuyến tàu, thuyền cập bến đầy ắp cá.
[Bầu cử Quốc hội và HĐND: Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục]
Làm việc trên những tàu, thuyền đánh bắt dài ngày trên biển, ngư dân không nắm rõ thông tin về kế hoạch, cách thức, ngày bầu cử. Bởi vậy, các lực lượng chức năng Hà Tĩnh đặc biệt là lực lượng biên phòng, kiểm ngư cùng với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền giúp ngư dân nắm rõ thời gian, lý lịch của các ứng cử viên; từ đó để bà con sắp xếp để có mặt đúng ngày bầu cử, lựa chọn những người có tài, có đức phục vụ cho quê hương, đất nước.
Tỉnh Hà Tĩnh có 164 km đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh Bôlykhămxay và Khăm Muộn (Lào) và 135 km bờ biển. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho ngày bầu cử, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh đã ngày đêm bám giữ biên cương, chốt chặn đường mòn, lối mở, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ biên phòng đẩy mạnh tuyên tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa để bà con hiểu, nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ công dân, làm tròn nghĩa vụ của mình.
Bắc Kạn tuyên truyền vận động bầu cử bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc
Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai đúng trình tự, đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định.
Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban bầu cử tỉnh Bắc Kạn cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chỉ đạo sâu sát, trực tiếp, thường xuyên, huy động cả hệ thống chính trị triển khai các công việc cho công tác bầu cử.
Toàn tỉnh đã thành lập 117 Ủy ban Bầu cử gồm 1 Ủy ban Bầu cử tỉnh, 8 Ủy ban Bầu cử cấp huyện/thành phố, 108 Ủy ban Bầu cử cấp xã, phường, thị trấn.
Mỗi Ủy ban Bầu cử các cấp đều thành lập 2 tiểu ban gồm Tiểu ban thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo, an ninh trật tự và y tế; đồng thời trưng tập và thành lập tổ giúp việc cho Ủy ban Bầu cử.
Trên cơ sở số đơn vị bầu cử, toàn tỉnh đã thành lập 789 ban bầu cử gồm: 2 Ban bầu cử Quốc hội, 14 Ban bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh, 60 Ban bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 713 Ban bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã. Toàn tỉnh có 763 khu vực bỏ phiếu.
Bắc Kạn đã lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội, 84 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 402 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, thành phố và 3318 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, đảm bảo đúng trình tự, tiến độ, hướng dẫn của Trung ương.
100% xã, phường, thị trấn lập xong danh sách cử tri theo từng khu vực và niêm yết danh sách cử tri đúng thời gian quy định, với tổng số cử tri trên địa bàn là 238.879 người (chiếm 75,23% tổng dân số).
Ủy ban Bầu cử các xã, phường, thị trấn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên rà soát lại số lượng cử tri trên địa bàn để cập nhật, bổ sung vào danh sách cử tri, bảo đảm quyền bầu cử theo luật định.
Để đảm bảo công tác bầu cử được thực hiện thuận lợi, đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, ông Ma Từ Đông Điền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch để giám sát công tác bầu cử, thực hiện 3 đợt kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử tại các địa phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp cơ sở tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát tại 8 huyện, thành phố; 108 xã, phường, thị trấn và một số thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá tình hình công tác tổ chức, triển khai, thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bầu cử; làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời.
Với đặc điểm tỉnh Bắc Kạn có diện tích rộng lớn, trong đó 80% diện tích là rừng núi, địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi cao, sông suối.
Mặc dù diện tích tự nhiên lớn nhưng dân số của tỉnh Bắc Kạn chỉ khoảng hơn 300.000 người, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số (86%) sinh sống theo từng cụm dân cư nên việc thông tin tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.
Để thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lan tỏa sâu rộng đến từng người dân, từng bản làng, khu dân cư, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, khẩu hiệu, qua hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện lồng ghép trong các hội nghị tại cơ sở, cử cán bộ tới tận các hộ ở vùng sâu, vùng xa tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, đưa danh sách những người ứng cử tới từng hộ dân, thường xuyên thăm nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con để đảm bảo mọi người dân đều hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho biết, đến nay tỉnh đã triển khai các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử chặt chẽ, chủ động, khẩn trương, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai và đúng quy định. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành lên danh sách, xây dựng phương án cho những tình huống bất thường có thể xảy ra, bố trí lực lượng, sẵn sàng chiến đấu để đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm bầu cử.
Lực lượng công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm từ ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 15/6.
Đến thời điểm hiện nay, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; chưa phát hiện hoặc để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử ở địa phương.
Lạng Sơn: Bộ đội Biên phòng tuyên truyền lưu động ở vùng biên
Cùng với cử tri cả nước, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đang tích cực chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngoài việc triển khai các nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh trật tự, an toàn phòng dịch COVID-19 thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử được các Đồn Biên phòng thực hiện nghiêm túc.
Tại xã vùng biên Yên Khoái, huyện Lộc Bình, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đang tập trung tuyên truyền về bầu cử. Cùng với đẩy mạnh việc tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác bầu cử cho cử tri, cán bộ chiến sỹ đơn vị còn tích cực lồng ghép nội dung giữ gìn trật tự an ninh thôn bản; dân vận khéo và phù hợp để đồng bào thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thiếu tá Lý Văn Tý - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cử khẩu Chi Ma cho biết, Đồn quản lý địa bàn rộng gồm ba xã giáp biên là Tú Mịch, Yên Khoái và Mẫu Sơn với hàng nghìn hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao.
Để công tác bầu cử diễn ra thành công, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tập trung bám nắm địa bàn.
Trên cơ sở những tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử, đơn vị còn biên soạn lại cho dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung tuyên truyền miệng gần gũi với người dân địa phương. Đơn vị tích cực tuyên truyền qua loa phát thanh, duy trì sử dụng xe máy tuyên truyền lưu động về công tác bầu cử ở khắp các thôn, ngõ xóm.
Ông Triệu Sáng Thêm, thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình phấn khởi nói: "Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đến tận gia đình để tuyên truyền về bầu cử. Gia đình và cử tri trong thôn đã biết ngày bầu cử 23/5 sắp tới, tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền tới cử tri trong thôn bản tham gia bỏ phiếu bầu đầy đủ, đúng quy định."
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh trật tự trong thời gian diễn ra bầu cử, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu; phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, cơ quan chức năng và địa phương các địa phương khu vực biên giới.
Đồng thời, lực lượng Biên phòng tích cực vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, lực lượng Biên phòng tỉnh Lạng Sơn duy trì quân số chốt trực 100% tại 156 tổ, chốt trên đường mòn, lối mở biên giới để kịp thời kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Mã Thế Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc chia sẻ, là xã vùng ba biên giới, Thanh Lòa có 4 thôn, với trên 1.700 nhân khẩu; dịp này sẽ có hơn 1.100 cử tri trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đi bỏ phiếu.
Danh sách các ứng cử viên, những tờ áp phích phòng, chống dịch COVID-19 được bố trí ở những nơi thuận tiện nhất để mọi cử tri tiện theo dõi. Thời gian qua, công tác phối hợp của chính quyền địa phương với lực lượng Biên phòng luôn duy trì, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin; đến nay, hai bên đã phối hợp tuyên truyền về bầu cử được 12 buổi tập trung cùng nhiều buổi tuyên truyền lưu động khác.
Đại úy Hoàng Anh Dũng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tân Thanh nhấn mạnh, đơn vị đã phối hợp với địa phương thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cho bầu cử như phân công từng con người, đảm bảo an ninh tại từng điểm bầu cử.
Cùng với đó, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thu thập tin tức, kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các vụ việc có liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Với hơn 231 km đường biên giới quốc gia, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên biên giới Lạng Sơn luôn được lực lượng Biên phòng giữ vững.
Có lực lượng Biên phòng, nhân dân vùng biên yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia phòng chống dịch, cử tri phấn khởi và sẵn sàng cầm lá phiếu để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình trong ngày bầu cử./.