Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB-mã MBB) vừa công bố kết quả hoạt động năm 2021 với tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất duy trì ở mức thấp, chỉ 0,9%, riêng ngân hàng là 0,68%. Đáng chú ý, quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% - là 1 trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành, chỉ sau Vietcombank.
Năm 2021 MB cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất ở mức 16.527 tỷ đồng, tăng trưởng tới 54,6% so với kết quả đạt được trong năm 2020.
Bên cạnh đó, mảng tín dụng mang về cho MB khoản lãi thuần 26.200 tỷ đồng, tăng trưởng 29,2% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 22,1%, lên 4.367 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn dài hạn mang về khoản lãi 1.667 tỷ đồng, tăng trưởng tới 75,3%.
[Techcombank và MB thu xếp 1,4 tỷ USD cho dự án điện khí của PVPower]
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng trưởng gấp đôi, lên 3.254 tỷ đồng trong khi thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng tăng 23,7%, đạt 115 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động trong năm của MB theo đó đạt 36.934 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm trước trong khi tổng chi phí hoạt động chỉ tăng 17,3% và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng 31,3%, lên mức lần lượt 12.377 tỷ đồng và 8.030 tỷ đồng.
Với kết quả này, MB nằm trong nhóm ngân hàng thương mại tốp đầu về các chỉ số hiệu quả, chất lượng hoạt động. Chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hợp nhất của ngân hàng lần lượt đạt 2,4% và 23,49%.
Các giới hạn an toàn được đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó riêng hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 11%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng ấn tượng từ 41% lên 49%, quy mô CASA đạt gần 190.000 tỷ đồng.
Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc của ngân hàng mẹ, các công ty thành viên của Tập đoàn cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao năm 2021, với tổng doanh thu của 6 công ty thành viên ước đạt 18.221 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 104,3% kế hoạch. Trong đó, Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) sau 5 năm thành lập đã vươn lên vị trí tốp 3 về thị phần.
Đặc biệt, năm 2020, MB gây ấn tượng với toàn thị trường khi tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng với khoảng 2 triệu người dùng mới. Đến năm 2021, con số này tiếp tục bứt phá khi App MBBank ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới, lũy kế đạt 9,5 triệu người dùng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2020.
"Đến nay, giao dịch trên kênh số tại MB chiếm khoảng 92%. Tỷ trọng giao dịch số đứng trong nhóm đầu của châu Á. Chúng tôi đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái số, mục tiêu từng bước cung cấp cho khách hàng trải nghiệm ngân hàng số 4.0, dẫn đầu về số hóa" đại diện MB cho biết./.