Tỷ lệ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ rất thấp

Báo cáo của Chính phủ cho biết trong năm 2019, tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ là 0,61%, tỷ lệ này ở viên chức là 0,46%.
Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019 có 23,52% công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 73,38% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2,15% công chức hoàn thành nhiệm vụ, nhưng còn hạn chế về năng lực và 0,61% công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với viên chức, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 23,58%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 70,84%, hoàn thành nhiệm vụ chiếm 4,96% và không hoàn thành nhiệm vụ là 0,46%.

Thực hiện Thông báo Kết luận số 202-TB/TW của Bộ Chính trị; ý kiến của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

Kết quả, có 12/14 cơ quan Trung ương được chọn thí điểm triển khai thực hiện Đề án, gồm Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (thực hiện trước khi có Đề án), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế.

[Thu hồi quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm hàng trăm cán bộ, công chức]

Các cơ quan này đã tổ chức thi tuyển đối với 42 trường hợp, trong đó cấp vụ có 32 trường hợp; cấp phòng có 10 trường hợp; có 19/22 địa phương được chọn thí điểm đã triển khai thực hiện Đề án và đã tổ chức thi tuyển đối với 396 trường hợp, trong đó cấp sở có 35 trường hợp; cấp phòng có 361 trường hợp.

Qua sơ kết việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý, Chính phủ đã kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển và tiến hành tổng kết vào quý 4/2022 (sau 05 năm triển khai Đề án).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý theo hướng đơn giản hóa về thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển lãnh đạo, quản lý.

Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tham mưu xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý trình Bộ Chính trị theo hướng, đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng; phó cục trưởng; phó vụ trưởng và tương đương; phó giám đốc sở và tương đương.

Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự bao gồm nam dưới 45 và nữ dưới 40; thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý; được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua.

Triển khai các quy định mới của Đảng về công tác cán bộ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tại dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Chính phủ đã nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định cho phép khi bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án thí điểm chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý và thi tuyển lãnh đạo, quản lý theo chủ trương của Đảng thì quy trình bổ nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức thí điểm để có căn cứ triển khai thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục