Thất nghiệp giảm cả số lượng và tỷ lệ là điểm sáng nhất trong thị trường lao động. Dự kiến, nhu cầu lao động những tháng cuối năm 2014 sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, thông tin, truyền thông, hoạt động y tế và trợ giúp xã hội. Nhu cầu lao động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục giảm mạnh.
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 3/2014 vừa được công bố ngày 3/9.
Theo phân tích trong bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 3, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế vẫn đang là thách thức. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ việc làm nữ trong tổng số việc làm tiếp tục tăng và tỷ trọng lao động làm công ăn lương trong tổng việc làm tăng trở lại.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, cơ cấu việc làm theo ngành có dấu hiệu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lao động nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng lên trong khi tỷ trọng lao động ngành nông-lâm-thủy sản giảm mạnh là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, tỷ trọng lao động ngành dịch vụ giảm nhẹ cho thấy còn nhiều vấn đề. …
Trong quý 2 năm nay, cả nước có 52,8 triệu người có việc làm, tăng 312.200 người, tăng 0,59% so với quý I/2014 và 0,83% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù việc làm tăng chậm song vẫn cao hơn mức tăng của lực lượng lao động nên tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm.
“Thất nghiệp giảm cả về số lượng và tỷ lệ là điểm sáng nhất của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 1,84% thấp nhất trong vòng 1 năm qua; tình trạng thiếu việc làm, kết nối cung-cầu đã được cải thiện,” bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Trong quý 2, cả nước có 164.800 người đăng ký thất nghiệp, tăng 78.100 người. Tuy nhiên do tình hình kết nối cung cầu được cải thiện, đã có 135.500 người đăng ký thất nhiệp đã được tư vấn giới thiệu việc làm, cả nước có hơn 460.000 lao động được giới thiệu việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục giảm.
Mặt khác, thị trường lao động trong quý 2 vẫn thể hiện việc cung-cầu lao động kỹ thuật chưa cân đối. Hiện nay, có 22 triệu người không có chứng chỉ bằng cấp đang làm những ngành nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật cho thấy nguồn cung lao động không đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật.
Đặc biệt, có 750.000 người trình độ đại học trở lên đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn lại cho thấy cung lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đã vượt cầu./.
Bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp của Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) công bố theo từng quý.
Bản tin phân tích thay đổi về số lượng, cơ cấu, chất lượng cung, cầu và xu hướng thị trường lao động, chỉ ra vấn đề nổi cộm, cảnh báo các tác động bất lợi tới thị trường lao động, từ đó đưa khuyến nghị trong hoạch định và triển khai thực hiện chính sách về việc làm và thị trường lao động./.