Tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công trong năm tháng đạt 21% kế hoạch

Bộ Tài chính thông tin cho biết hiện nay, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Hiện nay, 30 bộ và cơ quan trung ương có tỷ lệ ước giải ngân dưới 10% và 27 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 20%. (Ảnh: Vietnam+)

Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính cho hay tỷ lệ giải ngân trong năm tháng đầu năm mới đạt xấp xỉ 21% tổng kế hoạch.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân nhỉnh hơn 22%. Trước đó, cùng kỳ của năm 2023 tình hình giải ngân cũng tương ứng như trên.

Báo cáo chỉ ra 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Trong số đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, gồm Đài truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (41,53%), Ngân hàng Chính sách xã hội (37,78%), Tiền Giang (47,8%), Phú Thọ (41,95%), Tuyên Quang (39,34%), Hòa Bình (35,6%).

Bên cạnh đó, 30 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 4 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân) và 27 địa phương giải ngân dưới 20%.

Một số vướng mắc đã được Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành báo cáo với Chính phủ liên quan đến quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn, công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...

Ngoài các nguyên nhân trên, việc giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn, các dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm sau, danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban Nhân dân cấp dưới.

Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan này hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có ý kiến, vì vậy chưa có cơ sở để duyệt dự toán cho các dự án đủ điều kiện nhưng được phân bổ sau 30/12/2023. Từ tình hình trên, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền có ý kiến về số vốn phân bổ trong thời điểm từ ngày 30/12/2023 đến ngày 15/5/2024 và sau ngày 15/5/2024.

Trong phạm vi quyền hạn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền. Các địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Liên quan đến việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về việc áp dụng các quy định pháp luật để thực hiện dự án đầu tư công. Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ để thống nhất thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục