Gia tăng đáng lo ngại

Tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam đã gia tăng đáng lo ngại

Phá thai và vô sinh là những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản từ nhiều năm qua.
Phá thai thực sự là một thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản từ nhiều năm qua. Nhưng trong khi tỷ lệ nạo phá thai đã thuyên giảm rõ rệt thì hiện tượng vô sinh do nguyên nhân thứ phát lại tăng ở mức báo động.

Hiện nay ở nhiều bệnh viện phụ sản, hoặc các khoa sản hay phòng khám sản phụ khoa tư nhân, hình ảnh những người phụ nữ, bạn gái ngồi chờ nạo hút thai do có thai ngoài ý muốn là khá quen thuộc.

Mỗi ngày có 400 phụ nữ Việt đi phá thai


Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tân – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình cho hay, theo thống kê tại các cơ sở y tế công lập, hàng năm tại Việt Nam vẫn có từ 120.000 đến 130.000 ca nạo phá thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 400 ca nạo phá thai.

Theo ông Tân, thời gian gần đây, tỷ lệ nạo phá thai đã liên tục giảm, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố. Hiện nay tính trung bình trên cả nước có 73 trường hợp phá thai trên tổng số 100 trường hợp trẻ sống.

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết: “Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam từng có thời gian ở mức 100/100, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì cũng có 100 ca phá thai. Thậm chí ở khu vực thành thị năm 2003, tỷ lệ phá thai lên tới 190%, năm 2006 là 140%.

Năm 1999, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo và xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tại Bệnh viện Từ Dũ có thời kỳ ước tính bình quân có trên 40.000 ca nạo phá thai/năm.

Ông Tân cho biết, trong số những người phá thai thường xuyên thì có 2,4% là trẻ vị thành niên. Những số liệu nghiên cứu riêng rẽ cho thấy tỷ lệ phá thai đối với vị thành niên và thanh niên đang tăng lên.

Theo nghiên cứu của thạc sỹ Trần Văn Hường tại trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) tiến hành trong năm 2012 cho thấy có tới 23% sinh viên có quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Ông Hường phân tích, điều đáng lo lắng là tỷ lệ sinh viên không sử dụng các biện pháp tránh thai lên tới 53%. Chính vì không sử dụng biện pháp tránh thai nên có tới 27% sinh viên nam đã làm cho bạn tình của mình mang thai và gần 20% sinh viên nữ từng mang thai. Đặc biệt, 100% các trường hợp quan hệ hệ tình dục có thai ngoài ý muốn đều phải phá thai.

Nạo phá thai quá nhiều chính là một trong những nguyên nhân gây tình trạng vô sinh.

Nguyên nhân vô sinh ở VN khác các nước


Đề cập đến vấn đề vô sinh, ông Tân phân tích, hầu hết các nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy,  tỷ lệ vô sinh của Việt Nam đang ngày càng tăng lên và đặc biệt tăng lên do yếu tố thứ phát, liên quan đến các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản, các bệnh do phá thai ở vị thành niên và thanh niên.

Các chuyên gia y tế cho hay, biến chứng của phá thai sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề. Những hậu quả đó có thể biểu hiện ngay sau nạo hút hoặc sau này, các biểu hiện có thể là rách, thủng cổ tử cung, băng huyết, sót rau, nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung, chửa ngoài dạ con thậm chí vô sinh.

Một nghiên cứu hồi năm 2011 của Học viện Quân Y trên gần 10.000 cặp vợ chồng cho thấy tỷ lệ vô sinh chung là 3,1 %, trong đó tỷ lệ vô sinh liên quan đến nam và nữ là gần ngang nhau, vô sinh ở nam giới chiếm hơn 40%, vô sinh ở nữ giới gần 38%.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới vô sinh của nhiều cặp vợ chồng hiện nay, ông Hồ Sỹ Hùng – Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định, nguyên nhân vô sinh chủ yếu là tắc vòi tử cung (chiếm tới 75%), rối loạn phóng noãn (khoảng 20%). Hiện nay, nguyên nhân vô sinh ở phụ nữ chủ yếu do viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc vòi tử cung.

Theo ông Hùng, nguyên nhân viêm nhiễm làm tắc vòi tử cung là do hiện nay có rất nhiều phụ nữ trẻ nạo phá thai không an toàn, tình dục không an toàn gây ra viêm nhiễm đường sinh dục. Đây là đặc thù đang nổi lên ở Việt Nam - khác xa nhiều với nhiều nước. Bởi nhiều nước khác trên thế giới, các trường hợp vô sinh của họ chủ yếu do béo phì, buồng trứng… lớn tuổi.

Vô sinh là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam hiện nay. Ông Hùng phân tích: “Hiện nay, công tác điều trị vô sinh mất rất nhiều thời gian. Có những trường hợp nhẹ thì điều trị mất khoảng 1-2 tháng, tuy nhiên có không ít trường hợp nặng mất từ 5-7 năm và còn có nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh xót xa, mãi mãi không bao giờ được thực hiện thiên chức làm mẹ.”

Việt Nam trong 50 năm qua đã đạt được thành tựu đáng khích lệ trong việc giảm mức sinh từ 5-6 con/1 phụ nữ xuống còn 2 con (2012).

Tuy nhiên, chính vì sự giảm sinh và sự du nhập lối sống “phóng thoáng” của khá nhiều bạn trẻ hiện nay trong cuộc sống hiện đại khiến cho vấn đề phá thai và vô sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Như Tổng trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng trăn trở: “Việt Nam sẽ làm gì trong bối cảnh khi mức sinh đã giảm và đạt mức sinh thay thế. Có tiếp tục giảm sinh nữa không, hay chúng ta dừng lại ở đây, hay đã chuyển sang giai đoạn khuyến sinh? Đây là những câu hỏi đặt ra cho những nhà hoạch định chính sách dân số trong thời gian tới.”

Có lẽ, thời gian tới, ngành dân số cần thay thế chỉ tiêu giảm sinh trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm bằng các chỉ tiêu khác phản ánh chất lượng dân số, nhằm tránh tình trạng sức khỏe sinh sản bị tổn thương và đang đứng trước những thách thức mới gay gắt như hiện nay./.


Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.