Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, ngày 9/5, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei khẳng định việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dẩu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đưa ra quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng bổ sung vào tháng 4/2023 là nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ.
Phát biểu trước báo giới bên lề một sự kiện quốc tế diễn ra ở Abu Dhabi, Bộ trưởng Al Mazrouei bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ trong tương lai do tình trạng thiếu đầu tư vào ngành này.
Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng trong ngắn hạn, các bên có thể xoay sở để cân bằng giữa cung và cầu.
[Quyết định của OPEC+ gây ra những hệ lụy cho thị trường dầu mỏ]
Trong một động thái bất ngờ vào tháng trước, các thành viên OPEC+ bao gồm Saudi Arabia, UAE, Iraq, Kuwait, Oman và Algeria đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 1,16 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5/2023 đến cuối năm nay, như một biện pháp phòng ngừa để hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC, có kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5-12/2023.
Trong khi đó, UAE cũng thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 144.000 thùng/ngày trong giai đoạn này.
Giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 85 USD/thùng vào tháng trước ngay sau khi các thành viên OPEC+ đưa ra thông báo tự nguyên cắt giảm sản lượng bổ sung.
Tuy nhiên, giá dầu từ đó tới nay đã mất gần hết mức tăng này, giữa lúc những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục đè nặng lên triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent đã giảm 0,78% xuống còn 76,41 USD/thùng trong phiên 9/5, trong khi giá dầu WTI sụt hơn 0,78%, giao dịch ở mức 72,59 USD/thùng.
OPEC cho hay khối này sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường và có kế hoạch tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tại thủ đô Vienna của Áo để quyết định hướng hành động tiếp theo.
Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ gồm 23 thành viên đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Vào thời điểm đó, OPEC+ cho biết quyết định này được đưa ra do sự không chắc chắn xung quanh triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ thế giới.
Tuần trước, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cho biết họ duy trì triển vọng tích cực đối với thị trường dầu mỏ và dự báo nhu cầu dầu sẽ gia tăng trong những tháng tới.
Chiến lược gia Giovanni Staunovo của UBS nói: "Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ cao hơn nữa trong những tháng tới. Sản lượng và xuất khẩu thấp hơn của OPEC+ sẽ giúp thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn, ủng hộ quan điểm của chúng tôi rằng tồn kho sẽ bắt đầu giảm và hỗ trợ cho giá dầu"./.