UBS: Đầu tư bền vững tăng trưởng nhanh tại khu vực châu Á

Đầu tư bền vững có thể giúp giải quyết các mối lo ngại về chính sách rộng hơn từ sự thu hẹp lực lượng lao động, đà giảm tốc của nền kinh tế cho đến các vấn đề về di cư, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu
Một chi nhánh của Ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. (Ảnh: TTXVN)
Một chi nhánh của Ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. (Ảnh: TTXVN)

Vài năm trước đây, rất ít người dự báo rằng năm 2018 Trung Quốc nổi lên là nhà phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ hay chính sách kinh tế Abenomics sẽ đưa Nhật Bản trở thành thị trường đầu tư bền vững (SI) tăng trưởng nhanh nhất thế giới; hoặc năm 2019 châu Á sẽ có nhiều sàn giao dịch chứng khoán với những tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Theo nghiên cứu mới đây của ngân hàng Thụy Sỹ UBS, thái độ đối với đầu tư bền vững tại châu Á đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau vài năm.

Một trong những động lực chính khiến các chính phủ châu Á thay đổi những chính sách gần đây đối với SI là việc họ nhận ra rằng đầu tư bền vững có thể giúp giải quyết các mối lo ngại về chính sách rộng hơn từ sự thu hẹp lực lượng lao động, đà giảm tốc của nền kinh tế cho đến các vấn đề về di cư, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu.

[ASEAN và ADB khởi động sáng kiến ủng hộ các dự án hạ tầng "xanh"]

Do đó, đầu tư bền vững đang được khai thác để hỗ trợ các chính sách quan trọng của chính phủ, nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp, kích thích lợi nhuận doanh nghiệp hoặc cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng với các sáng kiến tài chính xanh.

Hơn nữa, các chủ sở hữu tài sản tại châu Á đang chấp nhận SI vì hướng đi này không ảnh hưởng đến lợi nhuận hay hiệu suất.

Các chủ sở hữu tài sản nhà nước châu Á, từ Quỹ Đầu tư lương hưu của Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA), Quỹ Đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) cho đến Quỹ Hưu trí của Chính phủ Thái Lan, đều đã bổ sung tính bền vững vào quá trình đầu tư và bắt buộc các nhà quản lý đầu tư của họ phải tuân thủ.

Số lượng đơn vị ký kết các nguyên tắc của Liên hợp quốc về Đầu tư có trách nhiệm (PRI) đã tăng gần 30% trong năm 2018, tốc độ tăng nhanh nhất trên toàn cầu.

Theo UBS, việc ký kết PRI thể hiện bước quan trọng đầu tiên để tham gia đầu tư bền vững vì PRI đòi hỏi một chính sách đầu tư có trách nhiệm với việc đưa một nửa tài sản vào sự kiểm soát trong vòng hai năm.

Hiện các đơn vị tại châu Á tham gia ký kết PRI đang đặt lượng tài sản trị giá 5.000 tỷ USD dưới sự kiểm soát.

UBS cũng dự đoán rằng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở châu Á sẽ góp phần mở rộng thị trường tài chính xanh và thị trường trái phiếu xanh.

Theo ngân hàng này, giá trị lượng phát hành trái phiếu xanh hàng năm của châu Á có thể sớm tăng gấp ba lên 150 tỷ USD do nhu cầu tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.