Ukraine đang quan tâm tới việc nhập khẩu khí đốt của Romania

Một quan chức ngành năng lượng Ukraine ngày 19/5 cho biết nước này đang quan tâm tới việc nhập khẩu khí đốt từ Romania nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp.
Ukraine đang quan tâm tới việc nhập khẩu khí đốt của Romania ảnh 1Công nhân vận hành một trạm bơm thuộc đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka ở Kiev, Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một quan chức ngành năng lượng Ukraine ngày 19/5 cho biết nước này đang quan tâm tới việc nhập khẩu khí đốt từ Romania nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Ông Igor Prokopov, Chủ tịch Tập đoàn vận chuyển khí đốt Ukrtransgaz của Ukraine, cho biết Romania đang tìm kiếm một thị trường mới và Ukraine rất quan tâm tới nguồn khí đốt này. Ông Prokopov dự báo Romania sẽ thừa khoảng 2 tỷ m3 khí đốt để có thể xuất khẩu trong năm 2016.

Gần đây, Ukraine bắt đầu mua khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga và có thể giúp nước này giảm được các hóa đơn thanh toán.

Theo số liệu của Ukrtransgaz, hiện 50% lượng khí đốt nhập khẩu của Ukraine là từ Slovakia, Ba Lan và Hungary, số còn lại vẫn do Nga cung cấp.

Cho đến nay, Romania mới chỉ xuất khẩu khí đốt sang Moldova, quốc gia láng giềng ở Tây Nam của Ukraine. Tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Romania tới Moldova có thể bơm 1,5 tỷ m3 khí mỗi năm.

Sau nhiều lần đàm phán, hồi tháng 4 vừa qua, Ukraine đã ký thỏa thuận mới tạm thời mua khí đốt của Nga với thời hạn 3 tháng. Theo thỏa thuận này, Ukraine sẽ trả cho phía Nga 248 USD cho mỗi 1000m3 khí đốt từ tháng 4 đến tháng 6.

Mức giá này rẻ hơn so với mức giá 329 USD/1000m3 mà Ukraine phải trả cho Nga trong mùa Đông. Những tranh cãi về giá khí đốt, cũng như việc Ukraine chưa thanh toán tiền nợ mua khí đốt của Nga, đã khiến Moskva từng quyết định "khóa van" cung cấp khí đốt cho Ukraine hồi tháng 6 năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.