Ukraine không thể bù đắp lượng than thiếu hụt bằng nhập khẩu

Cựu phái viên của Tổng thống Ukraine về an ninh năng lượng quốc tế nhận định nước này không thể bù đắp số lượng than thiếu hụt bằng cách nhập khẩu từ bên ngoài.
Ukraine không thể bù đắp lượng than thiếu hụt bằng nhập khẩu ảnh 1Mỏ than tại Donbass. (Nguồn: dtek.com)

Cựu phái viên của Tổng thống Ukraine về an ninh năng lượng quốc tế, ông Bohdan Sokolovsky, ngày 6/10 nhận định nước này không thể bù đắp số lượng than thiếu hụt, do giao tranh tại Donbass, bằng cách nhập khẩu từ bên ngoài.

Ông Sokolovsky được dẫn lời nói rằng: “Ukraine khó có thể mua đủ than từ nước ngoài. Hiện Ukraine đã mua 1 triệu tấn than, song con số này chưa tới 1% số lượng than nước này tiêu thụ. Khối lượng nhỏ thì có thể mua, song sẽ là điều không thể nếu nói tới khối lượng than lớn hơn. Chúng ta (Ukraine) không có cơ sở hạ tầng, không có những cảng lớn để tiếp nhận những con tàu lớn, không có kho ở cảng để chứa."

Tuy nhiên, ông Sokolovsky cho rằng khối lượng lớn than chỉ có thể nhập khẩu từ Nga bằng đường sắt, và nhấn mạnh quan hệ hợp tác như vậy trong lúc chiến tranh là phi lý.

Theo chuyên gia này, để giải quyết vấn đề thiếu hụt than, Ukraine cần thông qua các biện pháp tổng thể và bắt tay vào tiết kiệm.

Ông cho rằng Ukraine cần chuyển sang các hình thức tiếp nhận năng lượng khác, và mua than với khối lượng cần thiết ở nước ngoài song điều quan trọng là tiết kiệm năng lượng.

Theo ông, Ukraine cần tiết kiệm than, nhiệt lượng, điện và lẽ ra nên làm điều này từ lâu. Các doanh nghiệp cần sử dụng nhiên liệu thay thế song điều này phải mất khoảng thời gian từ 2-4 năm.

Sản lượng khai thác than của Ukraine đã giảm một nửa. Các công ty khai khoáng từ đầu năm đến nay đã khai thác được 53,401 triệu tấn than. Trước đó có tin nói Ukraine mất 1,2 triệu tấn than do giao tranh tại các tỉnh Donetsk và Lugansk.

Đầu tháng Chín, Nội các Ukraine đã ký thỏa thuận mua 1 triệu tấn than của Nam Phi. Chuyến hàng đầu tiên sẽ tới Ukraine vào khoảng 15-19/10.

Các công ty tư nhân và quốc doanh Ukraine đã ký hợp đồng mua 5,6 triệu tấn than trong năm 2014, kể cả mua than của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.