Ukraine thiệt hại hơn 1 tỷ USD từ lệnh cấm vận kinh tế của Nga

Ước tính kinh tế Ukraine trong cả năm 2016 sẽ thiệt hại khoảng 1 tỷ USD, song con số này sẽ còn lớn hơn nữa khi Nga áp lệnh cấm tạm thời vận chuyển hàng hóa đường bộ và đường sắt từ Ukraine.
Ukraine thiệt hại hơn 1 tỷ USD từ lệnh cấm vận kinh tế của Nga ảnh 1Người dân Ukraine tham gia biểu tình phản đối chính phủ tăng giá khí đốt và dịch vụ công tại thủ đô Kiev ngày 6/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong năm 2016, kinh tế Ukraine ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do lệnh cấm vận kinh tế của Nga. Đây là con số thống kê vừa được Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Natalia Mikolskaya công bố ngày 17/8.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực SNG, trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu từ Ukraine vào Nga giảm 36,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, xuất khẩu Ukraine vào Kazakhstan (cũng bị hạn chế) trong thời gian này cũng giảm 46,2%, tương ứng 136,4 triệu USD. Với tốc độ này, ước tính kinh tế Ukraine trong cả năm 2016 sẽ thiệt hại khoảng 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số thiệt hại thực tế có thể còn lớn hơn khi Nga từ ngày 1/7 áp đặt lệnh cấm tạm thời vận chuyển hàng hóa đường bộ và đường sắt từ Ukraine đến Kazakhstan và Kyrgystan, quá cảnh qua Nga.

Hiện, Kiev đã cáo buộc Moskva phong tỏa hàng hóa Ukraine quá cảnh trên lãnh thổ Nga và vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Từ 1/1/2016, Nga áp đặt lệnh cấm nhập thực phẩm đối với Ukraine. Lệnh cấm này áp dụng cho thịt, giò, cá và hải sản, rau quả, sản phẩm sữa.

Đáp trả, Kiev cũng lập danh mục hàng cấm nhập khẩu từ Nga như bánh mì, thịt, phô mai, chocolate, bia, rượu vodka, thuốc lá đầu lọc, thức ăn cho chó mèo và một số hàng hóa khác.

Kinh tế Ukraine đang rơi vào khủng hoàng trầm trọng sau hơn hai năm xảy ra nội chiến. Năm ngoài, kinh tế nước này bị suy giảm tới 9,9% do gánh chịu chi phí nặng nề cho quân sự và sản lượng kinh tế tại khu vực miền Đông sụt giảm mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.