UKVFTA: 'Đường cao tốc' thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam-Anh

Kim ngạch song phương Việt Nam-Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4% còn Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.
UKVFTA: 'Đường cao tốc' thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam-Anh ảnh 1Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị năm đầu tiên thực thi hiệp định UKVFTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dù đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế thương mại khác, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh vẫn tăng trưởng hai con số.

Đây là thông tin nổi bật được đưa ra tại Hội nghị “Năm đầu tiên thực thi hiệp định UKVFTA - Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới,” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 15/3, tại Hà Nội.

Khẳng định lợi thế ngay trong đại dịch

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (gọi tắt là UKVFTA) được ký chính thức tại Luân Đôn, Vương quốc Anh ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiệp định đã tạo ra những lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ ở thương mại mà cả thu hút đầu tư từ Anh vào Việt Nam và ngược lại.

Thống kê cho thấy kim ngạch song phương Việt Nam-Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24% so với năm 2020; trong đó nhiều mặt hàng của Việt Nam có tăng trưởng rất cao, như nông sản tăng 67%, hạt tiêu tăng 49%... Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng có kết quả tích cực, khi tăng 23,6% ở năm ngoái.

“Có được kết quả này cho thấy việc chuẩn bị của Việt Nam rất kỹ, rõ nhất là chiến lược tổng thể để thực thi hiệp định, từ mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, thuế... đều được ban hành sớm,” ông Lương Hoàng Thái cho hay.

[Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle: Việt Nam là đối tác quan trọng]

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá mức tăng trưởng 2 chữ số (17,2%) đã giúp kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam, với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.  

“Số liệu này cho thấy UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Những kết quả tích cực trên cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh,” ông Trần Quốc Khánh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm hội nhập của VCCI cũng nhấn mạnh thêm nhiều điểm tích cực mà UKVFTA mang lại, rõ rệt nhất là hàng hóa giữa hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau.

Đơn cử, Việt Nam rất cần dược phẩm thì Anh là thế mạnh, trong khi xuất khẩu dệt may - một mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng được các khách hàng của Anh đón nhận tích cực.

“Qua kết quả xuất khẩu có thể thấy rõ hiệp định mang lại rất tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì điều này càng có ý nghĩa,” đại diện VCCI cho hay.

Tận dụng cơ hội để tăng tốc

Với hiệp định UKVFTA, hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi tích cực. Theo đó, thuế nhập khẩu Vương quốc Anh sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi rất to lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong hiệp định này, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế một số lượng hàng hoá bổ sung vào Vương quốc Anh đối với 14 mặt hàng; trong đó có mặt hàng gạo, cũng như 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại Vương quốc Anh (gồm những sản phẩm nổi tiếng như: càphê Ban Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc…), giúp cho những sản phẩm này thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường bạn.

Tuy vậy, để tận dụng hết các cơ hội mang lại, các ý kiến tại hội nghị cũng chia sẻ thêm những giải pháp nhằm tăng ưu thế cho hàng hóa trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhìn nhận cũng như châu Âu, Vương Quốc Anh là thị trường khó tính, do vậy các cơ quan xúc tiến thương mại cần có giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kết nối với bạn hàng, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Anh..

Trong khi đó, ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vùng trồng đẩy mạnh tập huấn cho người nông dân về quy cách chăm bón, kiểm soát chất lượng nông sản… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở Vương Quốc Anh rộng rãi hơn nữa, qua đó mở thêm nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Trong khi đó, với kinh nghiệm thực tế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam cũng lưu ý các giao dịch về thương mại cần phải tránh các tranh chấp, tức là hiểu được thị trường và đối tác của mình.

Cụ thể hơn là việc nhìn nhận và nắm bắt các quy trình thủ tục, nắm bắt các an ninh, an toàn trong thanh toán và bảo lãnh ra sao, đặc biệt là việc đàm phán, trao đổi như thế nào giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Vương quốc Anh tổ chức các hoạt động đa dạng khác để góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định UKVFTA./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.