Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa chính thức được ký kết và lập tức có hiệu lực ngay trong ngày đầu tiên của năm 2021 (1/1/2021) được đánh giá sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam bứt phá và có những bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (Britcham) cho hay UKVFTA sẽ mang lại cơ hội tăng cường thương mại và hỗ trợ việc làm cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng cho cả Việt Nam và Vương quốc Anh.
Việc xóa bỏ 65% trong tổng số các loại thuế quan từ thời điểm hiệp định có hiệu lực và sẽ tăng lên 99% sau 6-7 năm kế tiếp sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất khẩu máy móc, dược phẩm, hóa chất, rượu mạnh của Vương quốc Anh.
[Hiệp định UKVFTA: Mở ra cơ hội lớn cho ngành thép và cơ khí chế tạo]
Cùng với đó, giảm các rào cản về luật pháp, những gánh nặng về thủ tục hành chính hay việc bảo đảm bảo hộ chỉ dẫn địa lý và mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm công cho khu vực tư nhân đang là những kỳ vọng của số đông các doanh nghiệp thuộc hai thị trường này.
Về cơ bản, UKVFTA sẽ giúp đảm bảo thực thi các quy tắc và những cam kết mà từ trước tới nay doanh nghiệp cũng như Chính phủ hai nước đã có thỏa thuận và giao kết.
Hiệp định thương mại tự do này cũng đảm bảo cho sự tăng tốc trong hoạt động thương mại song phương của hơn 3.000 doanh nghiệp Anh quốc đang xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam cũng như hàng nghìn người tiêu dùng Anh quốc đang mong đợi được sử dụng và tiếp cận các sản phẩm như điện thoại di động, quần áo, giày dép... được sản xuất tại Việt Nam, ông Atkinson nhấn mạnh.
Với một số thế mạnh có khả năng tương hỗ lẫn cho nhau, nhất là khi Việt Nam đang có nhu cầu tập trung phát triển mạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo và bền vững nên ngay khi UKVFTA có hiệu lực thực thi, lĩnh vực điện gió và năng lượng Mặt Trời sẽ nhận được sự ưu tiên đầu tư và hợp tác nhiều nhất giữa doanh nghiệp và Chính phủ hai nước.
Bằng việc phát huy hiệu lực và hiệu quả tức thì, UKVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực và ngay lập tức cho các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Anh quốc, chẳng hạn được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh quốc và 65% thuế quan ở chiều ngược lại, trong đó, có nhiều hàng hóa được hưởng thuế suất 0%...
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của Vương quốc Anh.
Trong khi đó, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường này một số mặt hàng như điện thoại, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và các sản phẩm đồ gỗ, máy vi tính, linh kiện, hạt điều, càphê, hạt tiêu. Do đó, có thể thấy rằng dư địa xuất khẩu của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh quốc còn rất lớn và nhiều triển vọng để tăng trưởng xuất khẩu.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu nên việc ký kết hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam-Vương quốc Anh sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường và thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở các kết quả đàm phán tích cực từng có trước đây.
Hiệp định UKFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, trong đó nhiều nội dung hướng tới việc đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Trong quá trình tiếp xúc và trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước, ông Phòng cho biết dù Hiệp định UKFTA được thực thi, phía Anh quốc vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh như gạo, tinh bột sắn và thủy sản.
Tại nhiều cuộc gặp gỡ, xúc tiến thương mại gần đây, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Anh quốc và đánh giá cao về tiềm năng, triển vọng của thị trường này.
Tuy nhiên, khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và đương nhiên, các đặc quyền ưu đãi của EVFTA không được áp dụng cho thị trường Anh, thì khi UKVFTA được ký kết và chính thức có hiệu lực đã đáp ứng ngay sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp trước những quan ngại về sự gián đoạn trong hợp tác thương mại song phương với quốc gia này, ông Phòng nhấn mạnh.
Là một trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại tỉnh Bình Thuận, bà Lê Thị Nguyên Hà, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nước ép Phúc Hà, cho hay từ trước tới nay, doanh nghiệp rất quan tâm và hứng thú với thị trường xuất khẩu của EU, đặc biệt là Anh.
Cũng vì nhiều lý do, nhất là việc Anh không còn là thành viên của EU nên doanh nghiệp ngần ngại triển khai ý định mở rộng thị trường và xuất khẩu các mặt hàng nước ép thanh long, hạt thanh long... sang quốc gia này.
Việc ký kết UKVFTA và hiệu lực được thực thi ngay từ đầu năm 2021 sẽ là cơ hội mới, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp và quyết tâm chinh phục thị trường xuất khẩu mới ngoài EU.
Tới đây, với sự hỗ trợ của đại diện Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng phụ trách việc xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm để tham gia vào các chương trình hội chợ, giao thương và kết nối hợp tác.
Bà Hà kỳ vọng năm 2021 sẽ đánh dấu những bước tiến mới của doanh nghiệp và Anh sẽ được thêm vào danh sách các thị trường xuất khẩu mà sản phẩm của Phúc Hà đặt chân tới trong năm nay./.