Sự sụt giảm giá dầu mỏ và các hàng hóa khác kể từ giữa năm 2014 tác động đến các nước đang phát triển giàu tài nguyên là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Diễn đàn Hàng hóa Toàn cầu lần thứ 6 của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) diễn ra tại Geneva ngày 13-14/4.
Báo cáo của UNCTAD cho biết từ mức khoảng 100 USD/thùng vào tháng 6/2014, giá dầu đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng vào đầu năm 2015 và đã giảm tới 40% so với mức trung bình 80 USD/thùng trong 10 năm qua.
Ngân sách của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước sản xuất dầu mỏ, bị tổn thương trước những biến động giá cả như vậy. Chẳng hạn, như chính phủ các nước Angola, Nigeria và Chad đã phụ thuộc tới 70% nguồn thu từ lĩnh vực dầu mỏ của họ. Giá dầu giảm buộc các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu, đóng băng các dự án xây dựng mới và trì hoãn việc thanh toán tiền lương của công chức.
Cùng với việc giảm giá dầu, giá các hàng hóa khác nói chung cũng đã giảm từ 10-50% so với mức trung bình trong 10 năm qua. Đầu năm 2015, giá quặng sắt đã giảm 50% và giá cao su giảm 37% so với mức giá trung bình 10 năm qua của các mặt hàng này.
Xu hướng giá cả là mối quan tâm đặc biệt đối với các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa, nhất là các nước chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu hàng hóa của họ.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự UNCTAD cũng thảo luận triển vọng đối với các nguồn năng lượng tái tạo trong bối cảnh giá dầu thô đi xuống. Các diễn giả cho rằng các chính sách của chính phủ là rất quan trọng trong việc tạo lập các ưu đãi đầu tư, tài chính, nhằm thúc đẩy công nghệ năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ngân sách khó khăn do giá dầu thấp hơn cũng có thể là cơ hội cho các chính phủ giảm hoặc loại bỏ các khoản trợ cấp tiêu thụ đối với các sản phẩm xăng dầu./.