Trong năm 2023, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ mạng lưới các thành phố sáng tạo, du lịch bền vững, ngành thủ công địa phương, thương hiệu di sản, đối thoại chính sách về công nghiệp văn hóa (điện ảnh) tại Việt Nam.
Thông tin trên được ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng công tác năm 2023 diễn ra ngày 28/2 tại Hà Nội.
Ngoài ra, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức hội nghị về Công ước năm 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể.
“Một mục tiêu trọng tâm trong năm 2023 là chúng tôi sẽ thúc đẩy các sáng kiến dành cho thanh niên và những người làm sáng tạo, đẩy mạnh các diễn đàn và mạng lưới quốc tế kết nối Hà Nội tới khu vực châu Á và châu Âu,” ông Christian Manhart cho biết.
[Hướng dẫn ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO]
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Ban thư ký UNESCO, các cơ quan chuyên môn của tổ chức, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và khu vực, Ủy ban quốc gia các nước; phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác điều phối, tư vấn, hỗ trợ và giám sát các hoạt động của các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, các địa phương trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO.
Cụ thể, Việt Nam sẽ phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng UNESCO, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Công ước và khuyến nghị 2021-2023, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và triển khai vận động ứng cử của Việt Nam vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025.
Trong số các mục tiêu cụ thể, năm 2023, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa như dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) và Nghị định của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quy định về quản lý di sản tư liệu.
“Ủy Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường tiếp cận nguồn lực và huy động xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, hỗ trợ nghệ thuật đương đại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa và sáng tạo, triển khai Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO; tiếp tục phối hợp chặt chẽ các địa phương và ban, ngành liên quan theo dõi, vận động và hoàn thiện các hồ sơ đề cử; lồng ghép, giới thiệu các di sản Việt Nam được UNESCO ghi danh và các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia,” Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ.
Về thông tin truyền thông, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các chương trình của UNESCO trong lĩnh vực thông tin truyền thông như: Chương trình quốc tế Phát triển Truyền thông (IPDC), Chương trình Thông tin cho mọi người (IFAP), Chương trình Thông hiểu kiến thức thông tin truyền thông (MIL).
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ thúc đẩy UNESCO hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, phổ biến các kiến thức về thông tin truyền thông của UNESCO như nâng cao kỹ năng và hiểu biết số trực tuyến, bảo vệ nhà báo, đạo đức báo chí, bình đẳng giới và không để ai bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số nâng cao năng lực và kiến thức số quốc gia, phát triển xã hội số, quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về các danh hiệu UNESCO./.
Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO Hiện nay, Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO gồm 246 thành phố, trong đó khu vực Đông Nam Á có hơn 10 thành phố. Năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo. |