UNESCO: Văn hóa trước ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19

COVID-19, cũng như một số cuộc khủng hoảng trước đây, đã cho thấy vai trò, sự cần thiết của văn hóa đối với người dân và cộng đồng.
Người dân Italy tham gia sự kiện Flashmod âm nhạc trên ban công nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết quyết tâm đẩy lui dịch bệnh COVID-19 tại Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày nay nhân loại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu không giống như bất kỳ điều gì đã thấy trong thế kỷ này.

Hàng ngàn người đã mất mạng vì COVID-19 và nhiều người khác đã bị nhiễm bệnh. Hàng tỷ người hiện đang bị giới hạn hoạt động trong nhà trên khắp thế giới.

Những người không thể làm việc tại nhà - bác sỹ, y tá, nhân viên cấp cứu, những người làm việc trong các dịch vụ thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc... - đang dũng cảm đứng trên tuyến đầu để giữ cho chúng ta an toàn và khỏe mạnh.

Các hệ thống chăm sóc sức khỏe ngay cả những nước giàu có nhất đang căng thẳng dưới áp lực của đại dịch toàn cầu này.

[Phát động online chương trình văn hóa doanh nghiệp cùng chống dịch]

Về kinh tế, xã hội và tâm lý, tác động của COVID-19 có thể sẽ được cảm nhận rất lâu sau khi cuộc khủng hoảng y tế này kết thúc.

Trong bối cảnh đó, COVID-19, cũng như một số cuộc khủng hoảng trước đây, đã cho thấy vai trò, sự cần thiết của văn hóa đối với người dân và cộng đồng.

Trên mạng xã hội, chúng ta đã thấy những video đầy cảm hứng của các nghệ sĩ và nhạc sỹ nổi tiếng thế giới biểu diễn miễn phí cho hàng xóm của họ, cũng như hàng triệu người dưới hình thức trực tuyến.

Nhiều người đang sử dụng tài năng nghệ thuật của họ để truyền bá thông tin quan trọng về COVID-19, chẳng hạn như rửa tay đúng cách và sự cần thiết của quá trình giãn cách xã hội.

Chúng ta đã thấy toàn bộ cộng đồng, bị cô lập trong nhà và căn hộ của mình, cùng nhau hát, chơi nhạc, khiêu vũ và thậm chí là chiếu phim từ cửa sổ và ban công của họ.

Các bảo tàng, nhà hát, phòng hòa nhạc và các thiết chế văn hóa khác, tuy đã đóng cửa, nhưng vẫn mở cửa dưới hình thức trực tuyến để giới thiệu miễn phí các chuyến tham quan, các bộ sưu tập của mình, hoặc phát trực tiếp các chương trình biểu diễn nghệ thuật miễn phí đến công chúng.

Bảo tàng New Orleans, Louisiana, Mỹ, đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các thư viện khắp nơi trên thế giới đang mở ra bộ sưu tập của họ cho công chúng thưởng thức...

Có thể nói vào vào thời điểm bất chấp hàng tỷ người tuy bị tách biệt về khoảng cách, nhưng văn hóa đã đưa chúng ta đến với nhau, giữ cho chúng ta kết nối và rút ngắn cách biệt giữa chúng ta.

Văn hóa đã mang lại sự thoải mái, cảm hứng và hy vọng tại một thời điểm rất lo lắng và mọi điều không chắc chắn.

Khó khăn của văn hóa trước ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta dựa vào văn hóa để giúp vượt qua cuộc khủng hoảng này từ dịch bệnh COVID-19, chúng ta không thể quên rằng văn hóa cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng loạt nghệ sỹ và nhà sáng tạo, đặc biệt là những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, giờ đây không thể kết thúc hoặc sản xuất hạn chế các tác phẩm nghệ thuật mới.

Các tổ chức văn hóa trên khắp các khu vực thế giới, cả lớn và nhỏ, đang mất lượng doanh thu rất lớn sau mỗi ngày qua đi.

Việc đóng cửa hàng loạt các thiết chế, tổ chức văn hóa ảnh hưởng đến quá trình tạo các nguồn thu nhập cho các nghệ sỹ và ngành công nghiệp văn hóa, đời sống văn hóa của cộng đồng.

Đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, các quốc gia đều áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đi lại để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Theo thống kê của UNESCO, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 quốc gia (chiếm 71%) đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đã đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản.

Việc đóng cửa và hạn chế đi lại đã ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế-xã hội đối với các cộng đồng sinh sống tại hoặc trong phạm vi di sản.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các buổi lễ... đã bị hoãn hoặc hủy bỏ, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của các cộng đồng dân cư ở khắp mọi nơi.

Di sản văn hóa đã chịu rất nhiều tác động tiêu cực của thiên tai và các mối hiểm nguy khác, và giờ đây dịch bệnh COVID-19 đã làm tình hình trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Hơn nữa, đối với hàng triệu người trên thế giới, việc tiếp cận với văn hóa thông qua các phương tiện kỹ thuật số vẫn nằm ngoài tầm với.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên Hợp quốc (ITU), 86% dân số của các nước phát triển sử dụng Internet, so với chỉ 47% dân số của các nước đang phát triển.

Ủy ban Băng thông rộng vì sự phát triển bền vững, được thành lập bởi ITU và UNESCO, chỉ ra trong Báo cáo về tình trạng sử dụng băng thông rộng 2019 rằng tổng cộng 43,5% số người được hỏi ở các nước thu nhập thấp đã chỉ ra kết nối kém là rào cản khi cố gắng sử dụng Internet, so với chỉ 34,6% những người có thu nhập trung bình cao và 25% thu nhập cao. Đồng thời, vẫn còn sự khác biệt lớn về giới tính trong việc tiếp cận Internet.

Theo OECD, số phụ nữ ít hơn 27 triệu người so với nam giới có điện thoại thông minh và có thể truy cập Internet qua di động.

Theo UNESCO, khả năng tiếp cận công nghệ của phụ nữ ít hơn 4 lần so với nam giới.

UNESCO kêu gọi hành động để hỗ trợ các nghệ sỹ và tăng khả năng tiếp cận văn hóa

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19, UNESCO kêu gọi các biện pháp để hỗ trợ các nghệ sỹ và tăng cường tiếp cận văn hóa, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

UNESCO kiến nghị cần đảm bảo rằng văn hóa có thể được tiếp cận đối với tất cả mọi người, như vậy mới tiếp tục phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của nhân loại, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Nhà hát Semperoper, bang Dresden, Đức. Toàn bộ hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nhà hát này đã bị hủy vì COVID-19. (Nguồn: EPA)

Đồng thời, chúng ta cần đảm bảo văn hóa có thể truy cập được cho các cộng đồng mà không cần truy cập Internet, trong đó có người bản địa, thổ dân, với các hình thức sử dụng công nghệ analog, ví dụ như trạm phát thanh trong cộng đồng.

Chúng ta cần khuyến khích các quốc gia đảm bảo rằng các nghệ sĩ có thể tiếp cận thị trường toàn cầu và họ được trả thù lao tương xứng cho công việc của họ.

Với một phần năm những người làm việc trong các ngành văn hóa làm việc bán thời gian và thường trên cơ sở hợp đồng, tự do hoặc không liên tục, chúng ta cần xem xét lại các cơ chế bảo trợ xã hội và lao động, trong đó có giải pháp đảm bảo các nghệ sỹ vẫn tiếp tục làm việc và sáng tạo. Đồng thời, các quốc gia cần đảm bảo và tôn trọng các quyền kinh tế, xã hội của các nghệ sỹ và nhà sáng tạo.

UNESCO đã thực hiện sứ mệnh của mình là thúc đẩy tiếp cận văn hóa trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội. UNESCO đã phát động chiến dịch truyền thông xã hội #Chia sẻ văn hóa và khuyến khích mọi người trên khắp thế giới chia sẻ văn hóa và sáng tạo của họ với nhau qua hình thức trực tuyến.

UNESCO tiếp tục tăng cường các nỗ lực liên tục của mình để tăng khả năng tiếp cận văn hóa và hỗ trợ bảo vệ cho các nghệ sĩ, để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng đối với văn hóa hiện nay.

Bây giờ, hơn bao giờ hết, mọi người cần văn hóa. Văn hóa làm cho chúng ta kiên cường, hy vọng, nhắc nhở rằng chúng ta không cô đơn. Đó là lý do tại sao UNESCO sẽ tiếp tục đưa ra và triển khai các sáng kiến hỗ trợ văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và di sản văn hóa khi hàng tỷ người trên thế giới tìm đến văn hóa để cảm thấy thoải mái và vượt qua thời gian cách ly và giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng COVID-19 là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tái đầu tư vào hợp tác quốc tế và đối thoại liên chính phủ. UNESCO cam kết dẫn đầu một cuộc thảo luận toàn cầu về cách hỗ trợ tốt nhất cho các nghệ sĩ và tổ chức văn hóa trong đại dịch COVID-19 và hơn thế nữa, và đảm bảo mọi người có thể giữ tiếp cận với di sản và văn hóa kết nối họ với nhân loại.

Đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, UNESCO đã phát động một chiến dịch truyền thông xã hội toàn cầu #Chia sẻ di sản của chúng ta để thúc đẩy tiếp cận văn hóa và giáo dục xung quanh di sản văn hóa trong thời gian này.

UNESCO cũng đang ra mắt một triển lãm trực tuyến của hàng chục tài sản di sản trên toàn cầu với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Google. Ngoài ra, UNESCO sẽ cung cấp thêm thông tin cập nhật thông qua bản đồ trực tuyến trên trang web của mình và thông qua phương tiện truyền thông xã hội về tác động của COVID-19 đối với các di sản thế giới phần lớn hiện đang đóng cửa toàn bộ hay một phần.

UNESCO cũng sẽ chia sẻ các tài khoản mạng xã hội của các nhà quản lý trang web Di sản Thế giới, những người trực tiếp nhận thấy tác động của COVID-19 trên các địa điểm họ quản lý và cộng đồng sống xung quanh họ.

Trẻ em trên khắp thế giới sẽ được mời vẽ, chia sẻ tác phẩm về các Di sản Thế giới, tạo cơ hội cho các bạn thể hiện sự sáng tạo và mối liên hệ với di sản.

Khi khủng hoảng trước mắt kết thúc, các chiến dịch #Chia sẻ văn hóa và #Chia sẻ di sản của chúng ta sẽ được duy trì để chia sẻ suy nghĩ về các biện pháp bảo vệ các di sản thế giới và thúc đẩy du lịch bền vững.

Trong Ngày Nghệ thuật thế giới, ngày 15/4/2020, UNESCO, hợp tác với nhà tiên phong âm nhạc điện tử và Đại sứ thiện chí của UNESCO Jean Michel Jarre, tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến với tên gọi ResiliArt và chiến dịch truyền thông xã hội, tập hợp các nghệ sỹ, chuyên gia để báo động, chia sẻ về tác động của COVID-19 đối với sinh kế.

Cuộc thảo luận sẽ đề cập các chính sách và cơ chế tài chính có thể giúp người sáng tạo và cộng đồng vượt qua khủng hoảng. Các nhà sáng tạo và người làm việc trong ngành văn hóa trên khắp thế giới được khuyến khích tham gia cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông xã hội và mời các nghệ sĩ đồng nghiệp giới thiệu tác phẩm họ sản xuất trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội.

Vào ngày 22/4, UNESCO mời các Bộ trưởng Văn hóa của thế giới trong một cuộc họp trực tuyến về COVID-19 và tác động của dịch bệnh đối với văn hóa.

Trên cơ sở Diễn đàn Bộ trưởng Văn hóa UNESCO tổ chức vào ngày 19 tháng 11/2019, cuộc họp sẽ giúp các Bộ trưởng trao đổi thông tin và quan điểm về tác động của cuộc khủng hoảng y tế này đối với ngành văn hóa và xác định các biện pháp chính sách khắc phục phù hợp với bối cảnh quốc gia khác nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục