Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đối với trái xoài ở ĐBSCL

Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch trong quá trình vận chuyển, bảo quản trái xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long còn khá lớn chiếm hơn 27%; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập.
Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đối với trái xoài ở ĐBSCL ảnh 1Nhà vườn bọc quả xoài cát Hòa Lộc để tránh sâu bệnh, giúp vỏ quả có màu trắng xanh đẹp mắt. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Ngày 19/6, tại thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Với diện tích gần 43.000ha, sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm, xoài đã trở thành nguồn thu nhập chính của một bộ phận người làm kinh tế vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xoài Cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu là hai giống xoài chất lượng cao, được nhiều người ưa chuộng, nổi tiếng cả thị trường trong nước cũng như trên thế giới và đã xuất sang sang một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Nga…

[Xoài sạch Suối Lớn chuẩn bị được xuất khẩu sang Australia]

Trong 13 tỉnh, thành, Đồng Tháp hiện có 9.200ha trồng xoài, lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng năm ước khoảng 95.000 tấn. Đây là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hùng thì ngành hàng xoài ở vùng đồng bằng khu vực sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng còn bộc lộ không ít những hạn chế.

Cụ thể, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, bảo quản, sau thu hoạch còn khá lớn chiếm hơn 27%; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập; quy trình canh tác tiền thu hoạch và xử lý sau thu hoạch (như hệ thống kho lạnh, thiết bị phân loại, sơ chế, xử lý, làm chín, bao bì, đóng gói, vận chuyển,...) chưa vận hành một cách đồng bộ,...

Trước thực trạng trên, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung vào phân tích thực trạng và định hướng phát triển ngành hàng xoài; giới thiệu về dự án hỗ trợ của UNIDO và cách tiếp cận thông qua mô hình “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các chuyên gia nước ngoài chia sẻ, đánh giá một số vấn đề trong chuỗi giá trị xoài; chia sẻ tiềm năng của ngành hàng xoài Việt Nam trên các thị trường thế giới,...

Các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước cũng thừa nhận xoài Việt Nam sản lượng có nhiều nhưng số lượng đạt quy chuẩn xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Đa phần, các công đoạn xử lý xoài sau thu hoạch được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Sau khi được xử lý xong lại có vấn đề nấm bệnh, do đó thời gian bảo quản ngắn; trong khi đó, chi phí vận chuyển quá cao. Vì thế, xoài Việt Nam chưa thể cạnh tranh với xoài các nước khác.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cải thiện các khâu từ sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng sản phẩm,... là định hướng của ngành hàng xoài cần hướng tới.

Ngoài ra, các cơ quan chủ quản địa phương gắn với cây xoài cũng cần nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức hợp tác để tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm có số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của từng loại thị trường xuất khẩu khác nhau; tạo điều kiện liên kết trong sản xuất, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát triển loại cây trồng này theo hướng bền vững.

Đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch là 1 trong 2 thắt nút lớn trong việc hình thành các ngành hàng nông nghiệp, trong đó có xoài.

Một tín hiệu tích cực là năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức UNIDO đã tiến hành dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài.

Dự án triển khai tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh và đã xây dựng thành công hệ thống sơ chế, bảo quản, đóng gói công suất xử lý khoảng 30 tấn/ngày.

Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo bước đi đầu tiên cho quả xoài thâm nhập các thị trường khó tính như Australia, Nga, Hàn Quốc,.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục