Ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp

Trang web kết nối cung cầu là htx.cooplink.com.vn đã có 1.144 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên, gồm 911 đầu mối bán, cung cấp hàng hóa 141 đơn vị mua nông sản; 72 cơ quan nhà nước.
Ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp ảnh 1Điểm thu mua nông sản trong "vùng xanh" ở Hậu Giang chuẩn bị chuyển hàng đi tiêu thụ. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Tổ công tác đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số như sử dụng trang web, zalo vào kết nối cung cầu và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Trang web kết nối cung cầu của Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là htx.cooplink.com.vn đã có 1.144 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên, gồm 911 đầu mối bán, cung cấp hàng hóa, chiếm 80%; 141 đơn vị mua nông sản, chiếm 12,3%; 72 cơ quan nhà nước, chiếm 6% và 20 đơn vị khác là trưởng ấp, người hỗ trợ nông dân đăng bán hàng.

Trong tổng số 911 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác gồm rau củ 257 đầu mối, trái cây 224 đầu mối, thủy hải sản-chăn nuôi 345 đầu mối, lương thực 44 đầu mối, các mặt hàng khác 41 đầu mối.

Theo Tổ công tác, việc ứng dụng công nghệ số vào kết nối cung cầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đó là số liệu báo cáo nhanh, chính xác, phân tích và dự báo được xu hướng cung cầu hàng hóa. Người mua và người bán tiếp cận thông tin đầy đủ gồm tên hàng, sản lượng, tên người liên hệ, số điện thoại liên lạc nên việc mua bán diễn ra thuận lợi cho cả người mua và người bán.

Nhờ đó, việc hình thành các đầu mối lớn cung cấp nông sản-hàng hóa giúp đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Mỗi ngày, các ứng dụng công nghệ số đã kết nối thành công hàng trăm tấn nông sản và hàng hóa. Thông qua các thông tin được kết nối, người mua và người bán liên hệ mua bán trực tiếp.

Bên cạnh đó, Tổ công tác đã tổ chức hai diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt và sản phẩm chăn nuôi-thủy sản rất có hiệu quả. Điều này nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn chung của doanh nghiệp; thống nhất các biện pháp chống dịch COVID-19 và đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa.

[Giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã trong chuỗi cung ứng hàng hóa]

Sau hai diễn đàn, Tổ công tác cũng kết nối tiêu thụ được hai đơn hàng lớn của hai công ty có vốn liên doanh với nước ngoài. Qua đây, hơn 2.400 tấn thủy sản được kết nối và tiêu thụ thành công tại 11 tỉnh trong vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản thông qua trang web kết nối cung cầu nhờ Tổ công tác kết nối xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao để xuất khẩu trong tương lai. Nhiều đơn cung ứng phân bón, vật tư sản xuất nông nghiệp cũng được Tổ công tác kết nối bán hàng cho các hợp tác xã và doanh nghiệp có nhu cầu.

Theo Tổ công tác, các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu dự đoán sẽ tăng nhu cầu từ tháng 9/2021 - 1/2022 do các nước bắt đầu mùa đông nên các sản phẩm nhiệt đới ở các quốc gia họ không thể sản xuất, hoặc có sản xuất thì chi phí cao hơn nhập khẩu. Do vậy, các nước sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu từ các nước nhiệt đới như Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp ảnh 2Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN)

Thống kê hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ” tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Riêng tỉnh Tiền Giang chỉ còn 6/31 cơ sở đáp ứng sau khi rà soát. Do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm chỉ khoảng từ 30 - 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Hiện việc sản xuất, chế biến thủy sản đang có hai khó khăn lớn cần ưu tiên tháo gỡ. Đó là, khâu vận chuyển cần tiếp tục được thông suốt để đảm bảo sản xuất. Do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn với cơ sở nuôi nên cần phải vận chuyển qua các địa phương khác nhau. Hàng tháng, các đơn vị cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ.

Tiếp theo là khâu tiêu thụ, nhà máy chế biến là khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi thủy sản. Do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”… nên một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động đang gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm. Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra do vậy, các địa phương tích cực tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của nhà máy chế biến.

Điển hình như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã huy động đội ngũ công nhân đi thu hoạch cá tra trên diện tích thả nuôi nằm ở nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang nhưng gặp khó khăn đi lại giữa các tỉnh. Các tỉnh cần có cơ chế phối hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.