Ứng dụng công nghệ vật liệu mới thay thế cát tự nhiên trong xây dựng

Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên...
Ứng dụng công nghệ vật liệu mới thay thế cát tự nhiên trong xây dựng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa có văn bản trả lời chất vấn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc ứng dụng công nghệ vật liệu mới nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên cát trước sức ép thiếu cát xây dựng, dẫn đến giá cát tăng cao.

Nhận diện nguyên nhân thiếu cát xây dựng

Theo nội dung chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), nguồn nguyên liệu cát tự nhiên để phục vụ xây dựng không phải là vô tận trong khi nhu cầu xây dựng hiện nay rất lớn. Mặt khác, việc khai thác cát quá mức trong thời gian quan đã ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở bờ sông, chi phí xây dựng tăng lên.

“Do đó, việc ứng dụng công nghệ vật liệu mới nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên cát là hết sức quan trọng, cấp bách trong thời gian tới,” đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh và đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết giải pháp của ngành Xây dựng trong giải quyết vấn đề nêu trên.

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay: Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, đến năm 2018, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3. Công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Trong khi đó, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung về cát tự nhiên chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu cát xây dựng, do đó đã xảy ra tình trạng thiếu cát xây dựng tại một số thời điểm và một số nơi trong thời gian vừa qua, dẫn đến giá cát tăng cao. Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi trên sông diễn ra ngày càng phức tạp đúng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phản ánh.

[Đề xuất gia hạn nộp 5.000 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản]

Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, trong đó quy định: “Không sử dụng cát, sỏi lòng sông có đủ chất lượng làm cát, sỏi xây dựng dùng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng.”

Tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi và trong nhiều văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ sử dụng cát, sỏi xây dựng, khuyến khích các tổ chức cá nhân, địa phương sử dụng tiết kiệm tài nguyên.

Cùng với đó, các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cân đối cung cầu cát, sỏi, hạn chế việc khai thác cát tự nhiên, tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Ứng dụng công nghệ vật liệu mới thay thế cát tự nhiên trong xây dựng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nhân tạo, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp tại các công trình xây dựng.

Giải pháp thay thế cát tự nhiên

Để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thay thế cát tự nhiên, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, trong đó có quy định về cát nghiền cho bê tông và vữa. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để việc sản xuất và tiêu thụ cát nghiền được mở rộng trong thực tế.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan, tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương, hạn chế sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, sử dụng cát tự nhiên tiết kiệm có hiệu quả; đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.

[Trên 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội]

Ngoài ra, để thúc đẩy việc sử dụng vật liệu tro xỉ làm vật liệu xây dựng góp phần thay thế nguồn cát tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng; tro xỉ làm vật liệu san lấp theo nhiệm vụ được giao.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nhân tạo, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp tại các công trình xây dựng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục