Ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán, chữa trị ung thư; vai trò giải phẫu bệnh trong xét nghiệm sinh học phân tử ung thư; ứng dụng sinh học phân tử - giải pháp dành cho phòng thí nghiệm lâm sàng và những dịch vụ mới được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC... là những nội dung được các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ trình bày tại hội nghị Ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị do Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức chiều 25/7, tại Hà Nội.
Chia sẻ về giá trị của kỹ thuật sinh học phân tử trong việc chẩn đoán, chữa trị cho bệnh nhân ung thư, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Nghiêm Luật (Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC) cho biết: “Trong ung thư có thể có rất nhiều gen đột biến và loại đột biến khác nhau, tuy nhiên, không phải bất kỳ đột biến nào ở các gen có liên quan đến ung thư cũng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị đích. Vì vậy, việc xác định các đột biến trên các gen có liên quan đến ung thư là yếu tố quyết định cho điều trị đích thành công. Hiện nay, các kỹ thuật sinh học phân tử, đặc biệt là kỹ thuật Pyrosequencing có thể giúp phát hiện các đột biến ở nhiều loại ung thư."
Trên thực tế, các nghiên cứu hiện nay cho thấy, căn nguyên gây ung thư là do các loại đột biến gen. Do đó, điều trị ung thư không chỉ dừng ở các phương pháp kinh điển như phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị mà thành tựu của khoa học y học đã mở ra cơ hội điều trị đích cho nhiều loại ung thư.
Việc thực hiện kỹ thuật giải trình tự gen Pyrosequencing thực hiện trên hệ thống máy sinh học phân tử thế hệ mới PyroMark Q24 (Đức) có ưu điểm vượt trội khả năng phát hiện đột biến cao, thời gian giải trình tự nhanh, giúp chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh, tiên lượng và điều trị ung thư hiệu quả cho người bệnh.
Tham luận về vai trò giải phẫu bệnh trong xét nghiệm sinh học phân tử ung thư, phó giáo sư-tiến sỹ Tạ Văn Tờ (Trưởng khoa Giải phẫu bệnh và sinh học phân tử - Bệnh viện K Trung ương), cho biết, năm 2010 Việt Nam có 126.301 ca ung thư mắc mới, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 189.344 ca. Điều trị ung thư hiện nay không còn dừng ở phương pháp kinh điển như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết mà bằng những tiến bộ kỹ thuật đảm bảo điều trị đích cho nhiều loại ung thư. Để điều trị đích cần phải xác định các bất thường ở gen để phát hiện ung thư vú, dạ dày, ung thư phổi, đại trực tràng, u mô đệm dạ dày, ruột… Việc kết hợp kỹ thuật giải phẫu bệnh kinh điển với sinh học phân tử hết sức quan trọng nhằm xác định chính xác đột biến giúp điều trị đích.
Tại hội nghị, tiến sỹ Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã trình bày về ứng dụng sinh học phân tử - giải pháp dành cho phòng thí nghiệm lâm sàng, trong đó sinh học phân tử là giải pháp phát hiện lao hữu dụng nhất…
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị xoay quanh các vấn đề về ứng dụng và ưu điểm vượt trội của sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư; phương pháp điều trị đích đối với điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Theo số liệu thống kê, ung thư đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, hàng năm cướp đi mạng sống của khoảng 8 triệu người trên thế giới./.