Ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại

Trong khi nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng hiện hữu thì vấn đề nắm bắt thông tin, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do dịch bệnh, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần chủ động phòng tránh và ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Mặt khác, phải tăng cường nắm bắt và vận dụng các cơ chế phòng vệ khi cần thiết để bảo vệ và phát triển sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng hóa nhập khẩu.

Chủ động phòng tránh

Ông Phan Khánh An, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, quy trình điều tra một vụ việc phòng vệ thương mại bao gồm rất nhiều bước, bắt đầu từ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra, khởi xướng điều tra, gửi và nhận bảng trả lời câu hỏi, kết luận sơ bộ/áp thuế tạm thời, thẩm tra tại chỗ, kết luận cuối cùng, rà soát giữa kỳ và rà soát cuối kỳ.

Việc điều tra chống bán phá giá được ngầm hiểu bên nguyên đơn mặc định bị đơn vi phạm luật chống bán phá giá và bên bị đơn có nghĩa vụ chứng minh mình không bán phá giá hoặc chấp nhận biện pháp trừng phạt.

Điều đáng nói là trong khi nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng hiện hữu thì vấn đề nắm bắt thông tin, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này còn rất hạn chế.

Theo một khảo sát gần đây, có 16% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại, 63% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết rõ, gần 20% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có chưa tới 2% số doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ hoặc là bên liên quan trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Theo ông Phan Khánh An, để giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng.

Ở góc độ ngành hàng, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho rằng, các hiệp hội ngành hàng phải thường xuyên theo dõi, rà soát lại hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên để phát hiện các điểm bất thường giữa năng lực sản xuất và sản lượng xuất khẩu.

Nếu phát hiện có gian lận, chuyển tải hàng hóa phải công bố thông tin rộng rãi, đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý nghiêm.

“Việc minh bạch thông tin về năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp, ngành hàng cần được duy trì một cách chủ động chứ không chỉ khi đã đối mặt với các vụ điều tra, bởi cuộc cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt và đối tác ngày càng coi trọng uy tín, xuất xứ hàng hóa. Chỉ cần một vài doanh nghiệp làm ăn bất chính, tiếp tay cho doanh nghiệp chuyển tải hàng hóa, gian lận xuất xứ để hưởng lợi trước mắt có thể khiến cả ngành hàng phải trả giá rất đắt,” ông Lê Xuân Quân nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia chia sẻ, trong trường hợp trở thành bị đơn, sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết dịnh đến 90% kết quả của vụ điều tra.

Minh chứng với một số vụ điều tra về gỗ và thủy sản, việc trả lời đầy đủ đúng thời hạn bảng câu hỏi của cơ quan điều tra đã giúp doanh nghiệp được loại trừ áp thuế phòng vệ.

[Doanh nghiệp Việt chủ động phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập]

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn và cơ quan điều tra; cung cấp bằng chứng, thông tin chứng minh sự khác biệt của sản phẩm; kiểm tra các lập luận về thiệt hại do nguyên đơn cung cấp có hợp lý hay không; phát hiện các thông tin, số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác để phản biện.

Mặt khác, cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan và nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Vận dụng cơ chế phòng vệ

Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam khi hội nhập kinh tế sâu rộng trong một thời gian ngắn là phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Các sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm và doanh nghiệp nước ngoài không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại ảnh 1Nông dân Hợp tác xã Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 17 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam và đưa ra 14 biện pháp phòng vệ.

Thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng, Việt Nam đã bảo vệ được nhiều ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động; giảm thiểu nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thế nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp, ngành hàng nào cũng nhận thức được việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm.

Ông Tô Thái Ninh nêu dẫn chứng, qua tìm hiểu, thời gian qua Cục Phòng vệ thương mại nhận thấy một số sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu được bán tại Việt Nam với giá thấp hơn chi phí sản xuất tại nước xuất khẩu.

Trong khi đó, những người chăn nuôi trong nước gặp khó khăn do không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Đây là một trong những biểu hiện của việc bán phá giá, trợ cấp để cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại tới người chăn nuôi trong nước.

Mặc dù đã trao đổi với người chăn nuôi và hiệp hội ngành hàng, tuy nhiên đến nay Cục Phòng vệ thương mại chưa nhận được bất kỳ hồ sơ hay đề xuất nào về vấn đề này nên không có căn cứ để khởi xướng điều tra.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho các đối tác tham gia FTA, tuy nhiên không vì thế mà cho phép hàng hóa nước ngoài gây ảnh hưởng, thiệt hại cho sản xuất trong nước bằng các hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Chính vì thế, việc sử dụng các công cụ pháp lý là cần thiết và phù hợp nhằm bảo vệ sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ Công Thương đã đưa ra các tiêu chí kiểm soát xuất xứ chặt chẽ, phối hợp với ngành sản xuất trong nước giám sát, theo dõi việc nhập khẩu những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước để kịp thời nắm bắt tác động và áp dụng cơ chế phòng vệ khi cần thiết.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ điều tra chống lẩn tránh, nỗ lực bảo vệ các công ty chân chính nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chuyển tải bất hợp pháp gây ảnh hưởng tới toàn bộ ngành sản xuất của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần chủ động nắm bắt thông tin, các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phân tích tác động của hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư nước ngoài vào sản xuất đến doanh nghiệp và ngành hàng trong nước.

Khi phát hiện các dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại về kinh tế cần chủ động đề nghị cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng các biện pháp tự vệ để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.