Ứng phó với bão số 3: Tính mạng, tài sản của người dân là ưu tiên hàng đầu

Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thái Bình khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão.

Hệ thống cẩu hàng STS được neo chắc chắn tại cảng Nam Đình Vũ (quận Hải An). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Hệ thống cẩu hàng STS được neo chắc chắn tại cảng Nam Đình Vũ (quận Hải An). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Yagi), các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão.

Ngừng hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa

Thành phố Hải Phòng chính thức phát đi thông báo: Đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải-Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 11 giờ, ngày 6/9.

Để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thủy sản, phương tiện đường thủy nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến 5 giờ, ngày 6/9, đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo tới 1.794 phương tiện với 5.219 lao động, 173 lồng bè/285 lao động; 24 chòi canh/14 lao động đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Tại huyện Cát Hải, đến 17 giờ, ngày 5/9 có 866 khách du lịch (trong đó có 407 khách quốc tế). Chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương đã thông báo để khách du lịch di chuyển vào đất liền, đến 12 giờ ngày 6/9.

Quận Đồ Sơn hiện có 106 khách lưu trú đã được thông báo về diễn biến bão.

Không lơ là, mất cảnh giác trong ứng phó bão

Với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho nhân dân trước cơn bão số 3, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã chủ động kêu gọi tàu, thuyền đánh bắt trên vùng biển trực thuộc, ngư dân nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ vào nơi tránh trú an toàn.

TTXVN_0609Vandon1.jpg
Người dân huyện Vân Đồn chặt, tỉa cành cây trước khi bão số 3 đổ bộ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trên đất liền, nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa ứng phó với bão. Theo Ủy ban Nhân dân huyện Vân Đồn, huyện có 1.770 phương tiện thủy, tàu cá của các xã, thị trấn và địa phương trong, ngoài tỉnh hoạt động.

Trong số đó, có 1.268 tàu cá và 323 tàu, thuyền đã được kêu gọi vào các điểm tránh trú an toàn. Các xã, thị trấn đã thực hiện thông báo cho các tàu, thuyền của địa phương về diễn biến tình hình bão số 3 để các chủ phương tiện nắm bắt và nhanh chóng di rời về nơi tránh trú trước 16 giờ, ngày 6/9.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Đồn cho biết với đặc thù có tàu thuyền lớn, hộ dân nuôi trồng thủy sản lớn, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, phân công lực lượng chỉ đạo chủ động ứng phó với bão, tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền tại từng địa bàn dân cư.

Đến 15 giờ cùng ngày, huyện hoàn thành việc di dời hơn 170 ngư dân đang trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.Huyện Vân Đồn bố trí gần 10 điểm tránh trú; một số nơi được xác định an toàn, thuận tiện cho các tàu thuyền vào tránh trú cũng được huy động để ứng phó với bão số 3.

Tại bến Cảng quốc tế Ao Tiên, các đơn vị, địa phương đã sắp xếp cho trên 100 tàu, thuyền vào tránh trú. Anh Lê Minh Mạnh, Cảng trưởng Cảng quốc tế Ao Tiên cho biết: đơn vị đã tuyên truyền, vận động tàu, thuyền kinh doanh tại Cảng về nơi tránh trú bão trước 13 giờ, ngày 5/9.

Đến nay các tàu, bè, xuồng đã neo đậu an toàn trong bến.Nhận thức được mức độ ảnh hưởng của bão số 3, các chủ tàu du lịch chủ động cho tàu vào nơi tránh trú, chằng buộc chắc chắn, chuẩn bị các điều kiện ứng phó; các ngư dân nhanh chóng di chuyển về vùng biển thuộc huyện Vân Đồn tránh trú sớm hơn 1 ngày để đảm bảo an toàn.

Trên đất liền, huyện Vân Đồn đã kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, xác định có khoảng trên 60 nhà có nguy cơ tốc mái.

Huyện đã có phương án, kịch bản cụ thể để ứng phó; nơi có nguy cơ sạt lở sẽ di dời, huy động người dân đến nhà người thân, các điểm lưu trú tập trung để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.

Huyện còn gần 700 công nhân ở lại trên các công trường dự án; 6 du khách đang ở các xã đảo Quan Lạn và Minh Châu. Tất cả đều được sắp xếp nơi ăn nghỉ an toàn.Với các hồ đập thủy lợi, hiện các địa phương, đơn vị quản lý đã chủ động lập phương án trong tình huống khẩn cấp đối với các hồ chứa trên địa bàn.

Các tổ quản lý đê nhân dân chủ động vận hành các cửa cống đảm bảo ngăn mặn và tiêu thoát lũ thượng lưu.

Huyện đã chủ động vật tư, rọ thép, phao cứu sinh, nhà bạt, máy phát điện, cáng cứu thương, phương tiện di chuyển như ô tô, xuồng cứu hộ.

Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn

Ngày 6/9, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh.

TTXVN_0609Thaibinh.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải (thứ 3, từ phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy. (Ảnh: Thế Duyệt/ TTXVN)

Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, Cảng cá Tân Sơn và khu neo đậu các phương tiện thủy của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận tải thủy bộ Hải Hà tại cảng xăng dầu Hải Hà (huyện Thái Thụy), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân không được chủ quan và sẵn sàng, chủ động các phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong số đó, huyện Thái Thụy cần khẩn trương di dời người dân tại các nơi xung yếu, chòi canh ngao, người lao động làm ăn trên biển đến nơi an toàn; kiên quyết không để bất kỳ người dân nào tại những nơi nguy hiểm khi bão đổ bộ.

Nếu xảy ra sự cố đối với người dân do không kịp thời sơ tán thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ,” bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân cũng như hệ thống công trình, kho tàng, nhà xưởng…; giảm thiểu tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.

Đối với Công ty Cổ phần Green i-park, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đánh giá cao các biện pháp Khu công nghiệp đã chủ động triển khai để ứng phó với bão số 3.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị công ty tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đối với các nhà đầu tư thứ cấp trong Khu công nghiệp, đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động cũng như hệ thống công trình xây dựng, nhà máy.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Green i-Park Nguyễn Minh Hưng cho biết, để đảm bảo an toàn cho các dự án trong Khu công nghiệp, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo vệ an toàn cho người và tài sản.

Từ 16 giờ, ngày 6/9, công ty tạm dừng công tác xây dựng trong Khu công nghiệp, di dời công nhân, người lao động đến nơi an toàn. Công ty cũng chủ động các phương án tiêu thoát nước, góp phần tiêu thoát nước với công suất 6.000m3/giờ.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy, sáng 6/9, 494 phương tiện/1.797 lao động toàn huyện đã nhận được thông tin, cảnh báo bão, trong đó có 488 phương tiện/1.778 lao động đang neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh; 134/169 lao động canh coi trên các chòi canh ngao đã vào bờ.

Trưa 6/9 chính quyền địa phương hoàn tất việc kêu gọi, đưa tàu thuyền và lao động vào nơi an toàn.Về công tác di dân, toàn huyện có 381 hộ/1.183 người sinh sống ngoài đê chính, hiện đã di dời được 591 người đến nơi tránh trú an toàn; 2.133 người sinh sống trong đê chính ở những nhà yếu đã và đang di dời nội bộ tới nhà người thân trong khu vực.

Tuy vậy, khó khăn hiện nay của huyện là phương án bảo đảm an toàn cho 10 tàu biển trọng tải lớn của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn vận tải thủy bộ Hải Hà đang neo đậu cách cầu Diêm Điền khoảng 200m.

Đây là những phương tiện đang bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) niêm phong trong vụ án xảy ra tại công ty này. Khi bão vào, nước dâng, gió lớn, số tàu này có thể gây uy hiếp an toàn cầu Diêm Điền.

Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan tập trung gia cố, néo giữ các tàu; đồng thời bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực cảng Hải Hà và phía cầu Diêm Điền để kịp thời xử lý tình huống xấu xảy ra./.

Bản đồ đường đi của bão số 3 lúc 13 giờ ngày 6/9/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Tâm bão số 3 đang ở cách tỉnh Quảng Ninh 450km

Lúc 13 giờ ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía Đông Đông Nam.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục