Ngày 17/12, Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Unilever thông báo sẽ nối lại hoạt động quảng cáo trên Facebook, Instagram và Twitter tại Mỹ, sau khi tạm ngừng từ tháng Sáu do các phát ngôn thù ghét và gây chia rẽ trên các mạng xã hội này trong thời gian diễn ra bầu cử Mỹ.
Trong thông báo, Unilever nêu rõ công ty dự kiến chấm dứt việc tạm ngưng quảng cáo từ tháng sau và sẽ tiếp tục đánh giá các mạng xã hội này trong thời gian tới.
Unilever nhấn mạnh công ty sẽ đánh giá sát sao các nội dung trên mạng xã hội dựa trên lộ trình và cam kết mà các nền tảng này đưa ra, cũng như xu hướng chia rẽ trên môi trường thông tin của mạng xã hội giai đoạn hậu bầu cử.
Facebook đã hoan nghênh động thái này của Unilever.
Trong tuyên bố, Phó Chủ tịch về nhóm kinh doanh toàn cầu của Facebook Carolyn Everson bày tỏ mong muốn duy trì hợp tác với Unilever trong năm 2021, cũng như cam kết hợp tác với Liên minh toàn cầu về truyền thông trách nhiệm (GARM) để chống các nội dung độc hại trên mạng.
[Đằng sau làn sóng tẩy chay mạng xã hội Facebook của các nhãn hàng]
GARM bao gồm các nhà quảng cáo, cơ quan truyền thông và tổ chức công nghiệp đặt mục tiêu chống thông tin độc hại, đảm bảo môi trường trực tuyến an toàn, cũng như đề ra hành động cụ thể nhằm bảo vệ các thương hiệu.
Trước đó, Unilever đã tẩy chay quảng cáo trên Facebook, trong khuôn khổ chiến dịch #StopHateForProfit (Ngừng kiếm lời từ sự thù ghét) do các nhóm hoạt động Mỹ khởi xướng sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vào tháng Năm vừa qua.
Chiến dịch do các tổ chức Color of Change, NAACP và ADL khởi xướng từ ngày 17/6 nhằm thúc đẩy Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn, đưa ra chính sách quyết liệt hơn để ngăn chặn hành vi phát tán thông tin thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc... thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung này.
Hơn 1.000 đối tác quảng cáo của Facebook, trong đó có Verizon, HP, Ford, Honda, Lego, Adidas, The Body Shop, Coca-Cola, Unilever, Best Buy... đã công khai tham gia chiến dịch tẩy chay này./.