Nhân loại đã tạo ra không ít phương thức sản xuất điện nhưng phổ biến nhất trên thế giới là các trạm thủy điện, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và các nhà máy điện hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào hoạt động ở Nga năm 1954. Công trình thứ hai khởi động tại Anh năm 1956 và sau đó một năm xuất hiện nhà máy thứ ba ở Mỹ.
Ngày nay, năng lượng điện hạt nhân đang được khai thác tại 31 quốc gia, với khoảng 400 lò phản ứng. Mười nhà máy điện hạt nhân của Nga sở hữu 34 tổ máy năng lượng, cung cấp 1/5 tổng sản lượng điện quốc gia.
Nga có kế hoạch tăng tỷ lệ khai thác các nhà máy điện hạt nhân, được đánh giá là hình thức sản xuất năng lượng có những ưu thế lớn so với thủy điện và nhiệt điện. Giá thành xây dựng công trình điện hạt nhân đắt gấp ba lần một nhà máy điện chạy than, nhưng chi phí đảm bảo than liên tục cho cơ sở nhiệt điện lại quá lớn so với mua nhiên liệu hạt nhân, và giá thành vận chuyển than cũng đắt hơn nhiên liệu hạt nhân.
Ngoài ra, một ưu thế rất lớn của nhà máy điện hạt nhân là môi trường sạch. Ví dụ, một cơ sở nhiệt điện công suất 1.000 MW mỗi năm tiêu thụ 8 triệu tấn oxy trong quá trình oxy hóa nhiên liệu. Các công trình điện hạt nhân không đòi hỏi điều này. Nhà máy nhiệt điện 1.000 MW mỗi ngày đốt hết một đoàn tàu chở than. Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân có cùng công suất chỉ cần 41 tấn nhiên liệu để làm việc một năm rưỡi.
Lượng khí thải hàng năm của một trạm nhiệt điện đến hàng chục ngàn tấn. Trong khi đó, ở các nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn không có khí thải. Ngay cả chất thải phóng xạ tính trên một đơn vị điện của các nhà máy nhiệt điện cũng lớn gấp nhiều lần so với cơ sở điện hạt nhân. Trong than luôn chứa các chất phóng xạ tự nhiên lọt vào môi trường bên ngoài khi than bị đốt cháy.
Đối với thủy điện, chi phí xây dựng không thấp hơn công trình điện hạt nhân. Các cơ sở thủy điện thường phải thi công ở vị trí cách xa người tiêu dùng năng lượng. Thủy điện kéo theo những yếu tố tiêu cực như làm ngập và lấn chiếm đất canh tác, phá vỡ hệ thống sinh thái đã hình thành hàng thế kỷ, cản trở hoạt động đường thủy.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh, một chuyên gia hàng đầu của ngành hạt nhân Việt Nam cho biết, tất cả những vấn đề này đã được cân nhắc khi soạn thảo chương trình phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam, trong quyết định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mà công trình đầu tiên có sự tham gia của Nga./.