Ủy ban châu Âu đề xuất cấm nhập khẩu vàng của Nga

EC nêu rõ gói biện pháp được đề xuất sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu mới đối với vàng của Nga, đồng thời củng cố việc sử dụng và kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến.
Ủy ban châu Âu đề xuất cấm nhập khẩu vàng của Nga ảnh 1Vàng được trưng bày tại nhà máy Shchyolkovo của Tập đoàn kim loại quý Yuzhuralzoloto, Nga ngày 8/11/2021. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ủy ban châu Âu ngày 15/7 chính thức đề xuất gói các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu mới đối với vàng của nước này, cũng như các điều chỉnh pháp lý để ngăn chặn việc gây trở ngại đối với việc vận chuyển hàng hóa.

Trong tuyên bố, EC nêu rõ gói biện pháp được đề xuất sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu mới đối với vàng của Nga, đồng thời củng cố việc sử dụng và kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ giúp tăng cường sự liên kết các biện pháp trừng phạt của EU với các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).

Theo quy định, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải thông qua các biện pháp này. Các nhà ngoại giao cho rằng các nước sẽ dễ dàng thông qua các biện pháp trên. Dự kiến, các đại sứ sẽ gặp nhau trong ngày 18/7 và sau đó là ngày 20/7 để thông qua gói biện pháp trên.

[Các nước thành viên G7 tán thành cấm nhập khẩu vàng của Nga]

Một số biện pháp có thể gây tác động nghiêm trọng. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết việc nhập khẩu vàng của Nga thông qua nước thứ 3 sẽ bị ảnh hưởng, song không nêu chi tiết.

EU cũng sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có, với việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Nga có thể được sử dụng vì mục đích quân sự, bao gồm hóa chất và máy móc. Trong khi đó, liên minh này cũng dự định áp đặt thêm việc phong tỏa tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các cá nhân và thực thể của Nga.

Ủy ban châu Âu cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp trừng phạt hiện có nhằm không làm gián đoạn việc xuất khẩu lương thực và ngũ cốc của Nga. Các nước châu Phi cho rằng các lệnh trừng phạt của EU làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra. Tuy nhiên, EU đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến thương mại thực phẩm.

Cho đến nay, EU đã áp đặt 6 gói biện pháp trừng phạt đối với Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.