Ủy ban châu Âu thu hẹp phạm vi điều tra chống độc quyền với Apple

Ủy ban châu Âu (EC) hiện chỉ tập trung vào việc Apple hạn chế người dùng iPhone và iPad tiếp cận thông tin về các phương án đăng ký nghe nhạc trực tuyến khác với mức giá thấp hơn.
Ủy ban châu Âu thu hẹp phạm vi điều tra chống độc quyền với Apple ảnh 1Điện thoại iPhone được trưng bày tại trụ sở Apple. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/2, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định thu hẹp phạm vi điều tra chống độc quyền với Apple, khi chỉ tập trung vào việc hãng này ngăn các ứng dụng cung cấp thông tin cho người dùng về các lựa chọn đăng ký sử dụng dịch vụ phát nhạc trực tuyến của công ty đối thủ.

Năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành điều tra Apple, sau khi Spotify và các doanh nghiệp khác cáo buộc nhà sản xuất iPhone có hành vi phi cạnh tranh, thông qua việc sử dụng kho ứng dụng App Store để quảng bá cho dịch vụ phát nhạc và video trực tuyến Apple Music.

Như vậy, với thông báo mới nhất, EC đã rút lại cáo buộc về việc Apple buộc các nhà phát triển phải sử dụng công nghệ thanh toán riêng của hãng.

EC hiện chỉ tập trung vào việc Apple hạn chế người dùng iPhone và iPad tiếp cận thông tin về các phương án đăng ký nghe nhạc trực tuyến khác với mức giá thấp hơn.

[Apple nhận án phạt 8 triệu euro tại Pháp do vi phạm luật riêng tư]

Theo EC, chính sách này là không cần thiết, và không phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ của App Store trên iPhone và iPad, làm tổn hại đến lợi ích của người dùng các dịch vụ phát nhạc trực tuyến trên thiết bị di động của Apple, khiến họ phải trả phí cao hơn.

Về phần mình, Apple đã bày tỏ hài lòng trước việc EC quyết định thu hẹp phạm vi điều tra.

Người phát ngôn của Apple nêu rõ hãng sẽ tiếp tục làm việc với EC để hiểu rõ và có thể phản hồi phù hợp về các mối quan ngại, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh và tăng thêm lựa chọn cho người dùng châu Âu. Hãng cũng bày tỏ hy vọng EC sẽ chấm dứt những cáo buộc "không có cơ sở" này.

Trong hướng dẫn về ứng dụng, Apple cho biết các nhà phát triển có thể gửi thông tin cho người dùng về các phương thức đặt mua dịch vụ khác bên ngoài ứng dụng, thay vì mua trực tiếp qua ứng dụng của hãng này.

Cùng ngày, Spotify đã hoan nghênh động thái của EC, đồng thời kêu gọi cơ quan này nhanh chóng đưa ra quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.