Ngày 29/4, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì hội nghị.
Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế và kinh tế từng bước phục hồi. Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch và hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.
Về tăng trưởng kinh tế, năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế; tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng của năm 2012. Năm 2013, lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cán cân thương mại đã cân đối được xuất nhập khẩu. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2013 đạt 1.091,1 nghìn tỷ đồng. Tình hình phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, giai đoạn 2011-2013 cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp Nhà nước. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2013 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; bội chi ngân sách cao; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tính bền vững của giảm nghèo còn thấp...
Về giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2014, Chính phủ sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, an ninh quốc phòng...
Đánh giá và góp ý kiến cho báo cáo, các đại biểu tập trung vào một số nội dung như: vấn đề bội chi ngân sách, nợ công, tình trạng lãng phí trong đầu tư công, thực trạng đáng báo động của ngành Nông nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp trong nước...
Nhiều đại biểu nhấn mạnh mối quan ngại về thực trạng nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với nhiều vấn đề như tình trạng người nông dân bỏ đất sản xuất, đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm; việc quản lý chất lượng giống, phân bón nông nghiệp; vấn đề dịch bệnh...
Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần một chính sách đột phá từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tái cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng hiện đại./.