Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18, thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc xây dựng Dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).
Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô, đồng thời nhấn mạnh Dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ.
Các cơ chế, chính sách phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi.
[Quyết liệt di dời cơ sở không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô]
Dự thảo Luật quy định, tỷ lệ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách có thể tăng từ 20-25%. Nhiều ý kiến cho rằng có thể nghiên cứu tăng tỷ lệ này lên 35-40%; đồng thời xem xét tăng cường về tổ chức, cơ cấu đại biểu cho Hội đồng Nhân dân ở quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội để tương xứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được tăng thêm.
Một số đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật cần xác định một số nguyên tắc về điều kiện, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù trên địa bàn thành phố làm cơ sở để Hội đồng Nhân dân thành phố quy định cụ thể và quyết định việc thành lập các cơ quan mới hoặc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hiện có, tạo sự chủ động, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, tránh được việc lạm dụng để thành lập mới nhiều cơ quan, tổ chức khi chưa thực sự cần thiết.
Các đại biểu cũng đánh giá cao quá trình chuẩn bị các Báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các báo cáo đã làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc sau 3 năm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương này trong thời gian tới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ việc Quốc hội cho phép áp dụng các mô hình chính quyền đô thị khác nhau ở các địa phương là để có sự so sánh, đối chiếu nhằm tìm ra mô hình phù hợp, có thể áp dụng một cách rộng rãi, thống nhất trên cả nước.
Tuy nhiên, do các báo cáo của Chính phủ trình bày kết quả sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở mỗi thành phố một cách riêng lẻ, chưa có sự so sánh, đánh giá về ưu, nhược điểm của từng mô hình gắn với đặc điểm, bối cảnh cụ thể của từng địa phương nên chưa có cái nhìn tổng thể, khách quan, toàn diện về những điểm nổi trội, ưu việt của từng mô hình, khó có thể đánh giá, lựa chọn mô hình phù hợp hoặc có những sự điều chỉnh cần thiết. Do đó, trên cơ sở kết quả sơ kết việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở cả 3 thành phố, Chính phủ cần đề xuất cụ thể phương án, lộ trình tiếp tục thực hiện.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao tinh thần thảo luận nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả của các đại biểu; ghi nhận tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.
Nhấn mạnh Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là luật hết sức đặc biệt và quan trọng, quy định những cơ chế đặc thù để đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sau phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra; đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo và dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới./.