Uyên Linh, Quỳnh Anh biểu diễn tại Lễ hội Việt Nam ở Nhật Bản

Các ca sỹ nổi tiếng Uyên Linh, Phạm Quỳnh Anh và nhóm nhạc Microwave đã góp mặt trong các chương trình nghệ thuật giới thiệu về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản
Các ca sỹ Việt Nam biểu diễn tại lễ khai mạc. (Ảnh: Bùi Hà - TTXVN)
Các ca sỹ Việt Nam biểu diễn tại lễ khai mạc. (Ảnh: Bùi Hà - TTXVN)

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã khai mạc ngày 8/6 tại Tokyo với sự tham dự của bà Akie Abe, Phu nhân của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng Công minh, và một số quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản, cùng với đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân hai nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu khai mạc lễ hội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức Lễ hội của phía Việt Nam, nhấn mạnh sau 11 năm tổ chức, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Norikazu Suzuki cho biết: “Dựa trên nền tảng mối quan hệ chiến lược rộng mở Việt Nam-Nhật Bản, quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giao lưu nhân dân.”

Theo Thứ trưởng Suzuki, số người Việt Nam ở Nhật Bản hiện khoảng 330.000 người, trong đó một nửa là thực tập sinh.

Uyên Linh, Quỳnh Anh biểu diễn tại Lễ hội Việt Nam ở Nhật Bản ảnh 1Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam (trái) chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Bộ Chấn hưng Địa phương Nhật Bản Satsuki Katayama (thứ 2 từ trái sang) và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Norikazu Suzuki (thứ ba từ trái sang) trước giờ khai mạc lễ hội. (Ảnh: Bùi Hà/TTXVN)

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thức rõ được rằng các bạn đã đóng góp nhiều cho xã hội và kinh tế Nhật Bản, đồng thời chúng tôi cũng muốn tạo ra một xã hội mà người Việt Nam có thể yêu đất nước Nhật Bản hơn nữa.”

[Nhìn lại 45 năm thiết lập quan hệ Việt-Nhật qua các bức ảnh đặc biệt]

Trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Chấn hưng Địa phương Nhật Bản Satsuki Katayama bày tỏ vui mừng khi được tham gia Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời cho biết bà thực sự ấn tượng trước văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản có 120 gian hàng được chia thành các khu theo chủ đề "Ẩm thực truyền thống," "Âm nhạc" và "Nghệ thuật truyền thống..."

Đến với lễ hội, khách tham quan sẽ có cơ hội được thưởng thức các món ăn truyền thống và các chương trình văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam và Nhật Bản.

Ban tổ chức hy vọng thông qua các hoạt động giao lưu ẩm thực, văn hóa, âm nhạc, lễ hội sẽ mang đến những hình ảnh sinh động, chân thực về đất nước, con người Việt Nam ngày nay.

Để góp phần tăng cường sự hiểu biết của người dân hai nước, năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã cử đoàn nghệ sỹ múa rối cạn sang biểu diễn tại lễ hội.

Bên cạnh đó, các ca sỹ nổi tiếng của Việt Nam như Uyên Linh, Phạm Quỳnh Anh và nhóm nhạc Microwave cùng với các du học sinh Việt Nam cũng góp mặt trong các chương trình nghệ thuật để giới thiệu về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước.

Uyên Linh, Quỳnh Anh biểu diễn tại Lễ hội Việt Nam ở Nhật Bản ảnh 2Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)

Lễ hội Việt Nam là một hoạt động thường niên do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đây là một hoạt động nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật Bản, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết của người Nhật Bản đối với Việt Nam.

Lễ hội Việt Nam 2019 sẽ kéo dài tới ngày 9/6 và dự kiến sẽ thu hút khoảng 180.000 lượt người tới tham quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.