Theo Reuters/TNHK, cứ 5 người Campuchia thì có một người đã được tiêm một liều vaccine COVID-19, qua đó giúp đất nước này vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á giàu có hơn về tỷ lệ tiêm vaccine.
Giống như những liều vaccine, câu chuyện thành công này của Campuchia lại được dán nhãn là dùng vaccine “do Trung Quốc sản xuất.”
Là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc, Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng nhờ lượng vaccine mà Trung Quốc tài trợ, lớn hơn so với lượng vaccine mà Trung Quốc tài trợ cho bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác.
[Kim ngạch thương mại Campuchia-Trung Quốc đạt hơn 8,1 tỷ USD]
Những tiến bộ ban đầu của Campuchia cho thấy chính sách "ngoại giao vaccine" của Bắc Kinh trong khu vực đang chứng kiến sự cạnh tranh về tầm ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bước đi này đã khiến nhiều người dân Campuchia lo ngại về sự gần gũi của mối quan hệ Bắc Kinh-Phnom Penh. Washington dường như "chậm chân" hơn Bắc Kinh khi chỉ mới tuần trước tuyên bố sẽ tài trợ lô vaccine đầu tiên cho khu vực Đông Nam Á.
Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thằng thừng bộc bạch: “Câu hỏi được đặt ra là liệu Campuchia có quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay không. Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, thì dựa vào ai bây giờ? Nếu không có Trung Quốc tài trợ và bán vaccine, thì chúng tôi đã không thể tiêm phòng được cho người dân Campuchia.”
Theo số liệu chính thức, khoảng 16% trong số 16 triệu người Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Tiếp sau đó là Brunei và Lào, hai nước Đông Nam Á nhỏ bé nhưng có mối quan hệ rất gần gũi với Bắc Kinh.
Các nước lớn hơn như Malaysia và Indonesia chỉ tiêm chủng được lần lượt là 7,6% và 6,6% cho dân số của mình. Tại Thái Lan và Philippines, tỷ lệ này lần lượt là 4,6% và 4,2%. Chỉ có Singapore đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh hơn cả trong khu vực.
Thắt chặt tình hữu nghị
Khi Campuchia đối mặt với đợt gia tăng ca lây nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất hồi tháng 5, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ đầy đủ “qua đó không chỉ thể hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước mà còn là trách nhiệm của Trung Quốc đối với cộng đồng Trung Quốc-Campuchia cùng chung vận mệnh tương lai.”
Đây là những lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được trang mạng Thời báo Hoàn cầu dẫn lại.
Cho đến nay, hơn 90% số vaccine mà Campuchia sử dụng là của Trung Quốc. Trong đó, số liều vaccine này trích từ tổng số 1,7 triệu liều do Trung Quốc tài trợ tính đến cuối tháng 4, và 4 triệu liều Campuchia mua từ công ty dược Sinovac của Trung Quốc. Số vaccine khác mà Campuchia sử dụng đến từ chương trình COVAX toàn cầu vốn được thiết lập để hỗ trợ công tác tiêm chủng tại những nước đang phát triển.
Anh Song Sok Putheara, 19 tuổi, người phục vụ nhà hàng đã tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc nói với Reuters: “Trung Quốc là nước đầu tiên viện trợ cho Campuchia, họ giúp cho người Campuchia được tiêm chủng và chất lượng vaccine rất tốt.”
Cả hai chính phủ Trung Quốc và Campuchia đều hài lòng với mối quan hệ này. Quan hệ quốc phòng giữa Bắc Kinh và Phnom Penh cũng ngày càng phát triển. Phnom Penh cũng bác bỏ những cáo buộc của Washington cho rằng Campuchia đang trở thành một "căn cứ tiền phương" cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Pa Chanroeun, Chủ tịch Viện Dân chủ Campuchia, nhận định: “Vaccine đã trở thành một công cụ của ngoại giao chính trị nhằm tạo ra và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, trên thế giới và cả ở Campuchia.”
"Xây dựng niềm tin"
Trung Quốc không tỏ ra hào phóng về tài trợ vaccine cho các nước Đông Nam Á khác như đối với Campuchia. Tuy nhiên, đối với các nước như Indonesia, Thái Lan và Philippines, việc vaccine mua từ Trung Quốc đóng vai trò sống còn. Đa số hàng chục triệu liều vaccine ở Indonesia đều là vaccine sản xuất tại Trung Quốc.
Bà Dewi Fortuna Anwar, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Khoa học Indonesia, cho rằng việc Trung Quốc sản xuất được lượng lớn vaccine đã khơi dậy thiện chí to lớn của nước này.
Mặc dù việc Trung Quốc tài trợ vaccine cho các nước khác sẽ không làm xoa dịu những căng thẳng như căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, song sự tài trợ này sẽ tạo ra sự khác biệt.
Nữ chuyên gia giải thích: "Nếu bạn phát triển một mối quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm về vấn đề an ninh, thì bạn có thể xây dựng được niềm tin và khi đó sẽ giúp ngăn chặn xung đột. Điều này có thể thấy trong việc Trung Quốc tài trợ vaccine cho Indonesia."
Trong khi đó, chương trình tài trợ vaccine của Mỹ cho khu vực châu Á hiện đang được tiến hành. Tuần trước, Washington cho biết có tổng cộng 7 triệu liều vaccine sẽ được chia sẻ cho khu vực châu Á với hơn 2,5 tỷ người.
Trong danh sách những nước Đông Nam Á được nhận vaccine tài trợ của Mỹ không có Campuchia./.