Vắcxin COVID-19: Những thách thức về phát triển và phân phối

Để có thể tiêm vắcxin cho hàng trăm triệu dân, các nhà sản xuất vắcxin và giới chức y tế tại mỗi quốc gia đều phải vượt qua rất nhiều thử thách từ mặt hậu cầu đến tài chính.
Vắcxin COVID-19: Những thách thức về phát triển và phân phối ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế. (Nguồn: THX/TTXVN)

Anh là nước đầu tiên trong các quốc gia phương Tây khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19.

Sau đó, Mỹ cũng đã nhập cuộc. Nhưng để có thể tiêm vắcxin cho hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu dân, các nhà sản xuất vắcxin và giới chức y tế tại mỗi quốc gia đều phải vượt qua rất nhiều thử thách từ mặt hậu cầu đến tài chính.

Để có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 8/12/2020, London đã đặt mua 40 triệu vắcxin của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và những lô đầu tiên đó được dành cho 20 triệu dân Anh.

Khối lượng thuốc này được sản xuất tại Bỉ, rồi được chuyển tới Anh qua đường hầm xuyên biển Manche trong những chuyến xe tải đặc biệt, với hệ thống giữ lạnh trong khoảng từ -80°C đến -70°C.

[Người đầu tiên tại Mỹ được tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19]

Vào đến lãnh thổ Anh, vắcxin được phân phối cho 50 bệnh viện và 1.000 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Với hơn 61.000 ca tử vong vì COVID-19, nước Anh bị thiệt hại về người nặng nhất châu Âu.

London kỳ vọng vắcxin sẽ giúp giảm thiểu “99% số ca điều trị tại bệnh viện và số ca tử vong,” theo ghi nhận của Phó Giám đốc Cơ quan y tế quốc gia Jonathan Van-Tam.

Tại Pháp, việc tiêm vắcxin phòng COVID-19 không mang tính bắt buộc, nhưng từ tháng 7/2020, Cơ quan y tế cấp cao (Haute Autorité de Santé) đã lên kế hoạch theo nhiều giai đoạn. Paris dự trù bắt đầu tiêm phòng COVID-19 sau Tết Dương lịch.

Tại Mỹ, chính phủ đề ra mục tiêu tiêm phòng cho 20 triệu dân ngay từ ngày 17/12/2020 và kể từ tháng 1/2021, mỗi tháng các cơ quan y tế có khả năng tiêm phòng cho 25 triệu dân Mỹ nhờ vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Nhưng bên cạnh những mục tiêu đầy tham vọng đó, vấn đề đầu tiên là các nhà sản xuất phải có đủ vắcxin để cung ứng cho thị trường.

Dây chuyền sản xuất và hệ thống giữ lạnh

Sau giai đoạn một - cuộc chạy đua tìm kiếm vắcxin, các tập đoàn Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc đều muốn là những nhà cung cấp đầu tiên “thần dược” cho nhân loại. Có thuốc rồi, nhưng các hãng dược phẩm vẫn chưa dám khẳng định “nắm được chiến thắng trong tay,” bởi chỉ riêng khâu sản xuất cũng đã là một thách thức lớn.

Trong một thời gian vài tuần lễ làm thế nào mở rộng hoạt động tại các nhà máy và nhất là bảo đảm có đủ từ kim tiêm đến lọ thủy tinh cho mỗi liều tiêm phòng COVID-19?

Vắcxin COVID-19: Những thách thức về phát triển và phân phối ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 14/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chi nhánh của hãng dược phẩm Thụy Điển Recipharm, hoạt động tại Monts, vùng Indre et Loire, miền Tây nước Pháp, đã nhận được hợp đồng để sản xuất vắcxin cho hãng dược phẩm Moderna của Mỹ.

Recipharm đã phải chuẩn bị như thế nào để có thể giao hàng cho khách hàng ngay từ quý 1/2021?

Phó Chủ tịch Recipharm tại Pháp, Jean-François Hilaire, trả lời trên đài truyền hình France 24 rằng, từ vài tuần nay, hãng đã bắt đầu tuyển thêm nhân viên với tổng cộng là thêm 60 người để tăng thời gian làm việc.

Từ trước đến nay, hãng có hai êkíp, bây giờ thì có 5 nhóm thay phiên nhau làm việc, để nhà máy có thể hoạt động 24/7.

Ngoài ra, hãng đã mua thêm trang thiết bị đặc biệt và tăng cường hệ thống giữ lạnh. Vắcxin phải được giữ ở nhiệt độ dưới 20°C, trước khi được chiết vào lọ.

Thêm vào đó, Recipharm đã mua thêm container, máy điều hòa không khí, tăng cường thêm cho các dây chuyền sản xuất sẵn có.

Recipharm đã sẵn sàng để tăng tốc cung ứng ngay từ đầu tháng 1/2021 và hãng có thể giao lượng lớn cho khách hàng ngay từ quý 1 năm tới.

Recipharm đã đầu tư 2 triệu euro (2,4 triệu USD) vào cơ sở sản xuất tại Monts.

Ưu tiên sản xuất tại chỗ

Khủng hoảng y tế kéo dài từ đầu năm tới nay làm lộ rõ nhược điểm của hệ thống phân phối thuốc và trang thiết bị y tế của Pháp và châu Âu. Đó là sự lệ thuộc quá nhiều vào một số mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, mà ở đó Trung Quốc hay Ấn Độ là hai tâm điểm.

Do vậy, Paris và Brussels coi việc sản xuất thuốc và vắcxin tại chỗ là một ưu tiên. Giải thích về thay đổi trong chiến lược sản xuất và an toàn y tế, Phó Chủ tịch Recipharm Jean, François Hilaire, cho hay: “Sẽ có nhiều thay đổi và chúng tôi đang thảo luận với chính phủ từ một vài tháng nay. Rõ ràng sản xuất thuốc ngay trên lãnh thổ Pháp hoặc châu Âu để đáp ứng nhu cầu trên thị trường phải là một ưu tiên. Pháp nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung có nhu cầu phải làm chủ dây chuyền cung ứng, đặc biệt là trong ngành y dược. Chúng tôi đang nghiên cứu những giải pháp theo hướng này. Recipharm tại Mont (vùng Indre et Loire) được chọn là do chúng tôi đáp ứng những tiêu chuẩn của hãng dược phẩm Moderna.”

Thách thức với ngành vận tải

Một khi có vắcxin, vấn đề kế tiếp nằm ở khâu vận chuyển. Vắcxin của Pfizer/BioNTech phải được bảo quản trong môi trường có độ lạnh -80 đến -70°C, vắcxin của Moderna là -20°C.

Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử y tế, Patrick Zylberman, tác giả cuốn sách mang tựa đề “Chiến tranh vắcxin” (nhà xuất bản Odile Jacob 2020), giải thích: “Đây thực sự là một vấn đề lớn ở nhiều cấp độ khác nhau. Bảo quản vắcxin ở nhiệt độ -80°C là một thách thức đối với rất nhiều quốc gia không có phương tiện về mặt kỹ thuật để bảo đảm có được một dây chuyền giữ lạnh như vậy. Nhưng ngay cả tại các nước giàu, đây cũng không phải là một chuyện dễ làm. Nếu chúng ta muốn các bác sỹ đa khoa tham gia chiến dịch tiêm chủng cho đại chúng, thì có nghĩa là mỗi bác sỹ ở phòng mạch đều phải được trang bị những tủ lạnh, đủ sức để giữ các liều vắcxin của Pfizer ở nhiệt độ -80°C. Không phải phòng mạch nào cũng có phương tiện bảo quản thuốc tiêm ở nhiệt độ thấp như vậy.”

Để chuyển vắcxin đến toàn thế giới qua đường hàng không, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), được báo Les Echos trích dẫn, đã đưa ra những con số cụ thể như sau.

Để mỗi người trên thế giới nhận được một liều vắcxin ngừa COVID-19 cần huy động đến 8.000 chiếc máy bay vận tải lớn như loại Boeing 747.

Chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong đợt 1, mỗi ngày sẽ phải có 1.000 chuyến bay cất cánh và chương trình phải được kéo dài trong hai tuần liên tiếp. Đương nhiên các máy bay phải được trang bị hệ thống giữ lạnh -80°C.

Phí tổn tài chính

Chỉ khâu phí tổn phụ trội này cũng đủ để đẩy giá thành của mỗi liều vắcxin lên đến mức cao chót vót. Nhưng không chắc đây là yếu tố giải thích khác biệt về giá vắcxin của các viện bào chế.

Nhà sử học Patrick Zylberman phân tích: “Pfizer và Moderna ấn định phí tổn trung bình cho mỗi bệnh nhân (mỗi người cần hai liều) tại châu Âu là khoảng trên dưới 16 euro (19 USD). Dùng thuốc của AstraZeneca thì mất 8 euro, tức chỉ bằng một nửa so với giá của hãng Mỹ Pfizer. Có thể nói liên doanh dược phẩm Anh và Thụy Điển quan tâm hơn đến việc cho ra đời một sản phẩm với giá phải chăng, để ngay cả các nước có thu nhập trung bình cũng có điều phương tiện mua vắcxin. Đây chính là khác biệt lớn giữa các hãng dược phẩm.”

Chính quyền Indonesia cho biết đã chi 45 triệu USD để mua 3 triệu liều thuốc tiêm chủng do tập đoàn Trung Quốc Sinovac chế tạo (thuốc bán ra với giá 15 USD/liều). Hãng dược phẩm Sanofi của Pháp thông báo sẽ bán vắcxin với giá dưới 10 euro một liều.

Nhiều nước châu Âu, Mỹ thông báo tiêm chủng miễn phí cho dân chúng, nhưng các tổ chức nhân đạo lo ngại rằng vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay hoàn toàn ngoài tầm tay của một phần lớn nhân loại.

Trước mắt chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới đủ điều kiện tài chính để mua vắcxin, trong lúc đại dịch không phân biệt giàu nghèo và đà lây lan không dừng lại ở các đường biên giới.

Bà Véronique Trillet Lenoir, thành viên ủy ban đặc trách về các vấn đề môi trường, y tế công cộng và an toàn thực phẩm của Nghị viện châu Âu (EP), nhấn mạnh đến những bất bình đẳng ngay trong nội bộ 27 nước của EU mặc dù Brussels lần đầu tiên đã nhanh chóng đề ra một chính sách chung về y tế để thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trên mặt trận chung chống COVID-19.

Bà cho biết: “Vắcxin nói riêng và vấn đề y tế nói chung đang trở thành một trong những ưu tiên về địa chiến lược. Các nước lớn dùng lá bài này để khẳng định thế thượng phong của mình. Châu Âu hay Mỹ và Trung Quốc đều có những tính toán như nhau. Điều quan trọng ở đây là làm thế nào tránh để những tính toán được, thua về tiền bạc lấn át những lợi ích về mặt y tế. Chắc chắn rằng đây là một nguy cơ rất lớn. Nhưng một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng chưa bao giờ EU có những tiến bộ đáng kể như trong khủng hoảng lần này, cho dù chúng ta vẫn làm chưa đủ và phải tiếp tục cố gắng thêm nữa.”

Một khi đã vượt qua được những thách thức trong các khâu sản xuất và phân phối vắcxin thì vẫn còn một trở ngại khác đó là mối hoài nghi của công luận với một loại vắcxin còn quá mới để ngừa một căn bệnh cũng quá mới đang làm tê liệt một phần hoạt động của thế giới.

Các loại vắcxin hiện nay

Theo kênh truyền hình NHK Nhật Bản, các công ty dược phẩm, cơ quan nghiên cứu trên thế giới đang thúc đẩy phát triển nhiều loại vắcxin ngừa COVID-19. Sau đây là một số loại vắcxin chủ yếu:

Vắcxin sống được gọi là “vắcxin giảm độc lực,” được lấy từ chính chủng virus trong thực tế và tiêm vào cơ thể lượng nhỏ để chúng nhân lên, tạo thành một quần thể đủ để khởi động đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Vắcxin COVID-19: Những thách thức về phát triển và phân phối ảnh 3Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhiều loại vắcxin sống có hiệu quả cao và được sử dụng để phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, rubella.

Vắcxin sống phòng COVID-19 đang được nghiên cứu, phát triển bởi một số cơ quan như Đại học Tokyo Nhật Bản, Nhóm nghiên cứu bệnh vi sinh vật thuộc đại học Osaka.

Vắcxin bất hoạt sử dụng Formalin để làm mất độc tính của virus và sau đó được tiêm vào cơ thể.

Loại vắcxin này đang được một số công ty như KM Biologics phát triển. vắcxin bất hoạt của nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang được tiêm chủng với số lượng giới hạn.

Vắcxin VLP được tổng hợp nhân tạo từ các protein gai xuất hiện trên bề mặt của virus. Khi tiêm vào cơ thể, protein gai sẽ trở thành dấu ấn kháng thể tấn công virus. Vắcxin VLP ngừa COVID-19 hiện đang được Đại học Osaka Nhật Bản nghiên cứu phát triển.

Thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của loại vắcxin này đang được tiến hành tại Mỹ trên quy mô hàng chục nghìn người.

Vắcxin tái tổ hợp cũng giống như vắcxin VLP, sử dụng các protein gai có trên bề mặt của thực thể virus và được tạo ra bằng kỹ thuật tái tổ hợp gen di truyền. Khi tiêm vắcxin này vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể tấn công virus. Tại Nhật Bản, một công ty dược phẩm lớn là Shionogi cũng đang tập trung nghiên cứu loại vắcxin này.

Vắcxin mRNA sử dụng mRNA - một loại vật chất chứa thông tin di truyền để tạo ra protein gai có trên bề mặt của thực thể virus. Protein gai sẽ hình thành trong cơ thể sau khi tiêm chủng và kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tạo ra kháng thể.

Đây là kỹ thuật hoàn toàn mới chưa được thử nghiệm thực tế trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Ưu điểm của phương pháp này là có thể rút ngắn thời gian phát triển so với các phương pháp truyền thống trước đây.

Vắcxin ngừa COVID-19 theo dạng sử dụng mRNA do công ty dược phẩm Pfizer phát triển đã bắt đầu được tiêm chủng rộng rãi, ngoài ra, loại vắcxin của công ty dược Moderna của Mỹ cũng cho thấy hiệu quả cao khi thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối cùng. Tại Nhật Bản, công ty dược phẩm Daiichi Sankyou cũng đang phát triển loại vắcxin này.

Vắcxin DNA là phương pháp tiêm trực tiếp DNA - một loại protein có trên bề mặt thực thể virus được tạo ra bằng phương pháp nhân tạo. Sau khi tiêm chủng, DNA sẽ xâm nhập vào nhân tế bào trong cơ thể, sản sinh ra các mRNA và tạo ra các protein gai để kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sinh học của đại học Osaka tại Nhật Bản đã sớm phát triển loại vắcxin này để phòng COVID-19 với tên gọi “anges."

Hiện loại vắcxin này đang trong quá trình bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người để khẳng định tính an toàn và hiệu quả.

Vắcxin vector sử dụng gen di truyền tạo ra protein gai để đưa vào trong một loại virus vô hại khác rồi tiêm vào cơ thể.

Virus vô hại sẽ lây nhiễm cho các tế bào trong cơ thể, tạo ra protein gai của virus COVID-19 và kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Vắcxin phòng COVID-19 của Đại học Oxford tại Anh và công ty dược phẩm AstraZeneca thuộc loại này và đã cho thấy hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối khi tiến hành trên hàng chục nghìn người.

Tại Nhật Bản, công ty công nghệ sinh học ID Pharma cũng đang tập trung nghiên cứu phát triển loại vắcxin này để phòng COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.