Sản lượng vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang năm nay ước tính đạt trên 150.000 tấn; trong đó, sản lượng của huyện Lục Ngạn - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước - vào khoảng hơn 90.000 tấn, tăng hơn 35.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Huyện Lục Ngạn duy trì 15.290 ha trồng vải; trong đó, diện tích trồng vải theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP lên tới hơn 70% (11.423 ha vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 218ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP). Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, quả vải thiều Lục Ngạn vụ năm nay có chất lượng và mẫu mã đẹp nhất từ trước đến nay.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ vải thiều của người dân, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị. Tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; trong đó, đã tổ chức một hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc.
Các cơ quan chuyên môn của huyện cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã in, dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo quy định xuất khẩu.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền sử dụng truy xuất nguồn gốc đối với vải thiều tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng được đẩy mạnh.
Vấn đề giao thông được tỉnh và huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm. Bởi, Lục Ngạn là một huyện miền núi, giao thông còn khó khăn, đường vào các vườn vải chủ yếu là đường đất, khó đi, xe tải, xe khổ lớn của thương nhân, lái buôn chỉ có thể dừng ở đường lớn.
[Mỗi ngày có hơn 1.000 tấn vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ]
Các chủ vườn vải thường phải tự chở hoặc thuê người chở vải thiều ra các điểm tập kết, thu mua, gây mất thời gian, công sức và tăng giá thành của quả vải.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn đã đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ ximăng giúp người dân trong huyện “cứng hóa” hơn 100km đường giao thông nông thôn, giúp các phương tiện di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn trong mùa thu hoạch vải.
Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết, Ủy ban Nhân dân huyện đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng sửa chữa các tuyến đường huyện từ xã Nam Dương đi Đèo Gia; Kim Sơn đi Biển Động, Phú Nhuận.
Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn huy động lực lượng đồng loạt ra quân duy tu, sửa chữa, vá lấp ổ gà; phát quang bụi rậm, nạo vét rãnh thoát nước trên các tuyến đường giao thông tại các xã sản xuất vải thiều của huyện.
Các tuyến đường Nam Dương-Bình Sơn (huyện Lục Nam), Quốc lộ 31 và một số đường tỉnh qua địa bàn đã được ngành giao thông vận tải tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng hoàn thành sửa chữa.
Những khó khăn về điện cũng dần được địa phương tháo gỡ. Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng công suất máy biến áp Trạm biến áp 110 kV Lục Ngạn từ 25.000 kVA lên 40.000 kVA.
Điện lực Lục Ngạn thường xuyên duy tu, sửa chữa, khắc phục sự cố lưới điện. Đồng thời, hoán đổi vị trí 12 máy biến áp, đảm bảo hiệu suất sử dụng tốt nhất; tổ chức hội nghị đối thoại với các cơ sở sản xuất nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng, sử dụng điện.
Cùng với đó. Điện lực Lục Ngạn xây dựng kế hoạch quản lý hành lang an toàn lưới điện, rà soát điều chỉnh đảm bảo độ cao an toàn cho các đường dây tải điện.
Cùng với việc ưu tiên bố trí nguồn điện cho các cơ sở sản xuất đá cây, chế biến vải thiều, ngành điện cũng tăng cường ứng trực, xử lý các sự cố xảy ra trên lưới điện để hạn chế tối đa việc mất điện...
Thời điểm này, các nhà vườn ở "vương quốc vải thiều" Lục Ngạn đã hoàn tất việc thu hoạch vải sớm và chuẩn bị bắt tay thu hoạch vải thiều chính vụ.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp, thương nhân, các đơn vị liên quan đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho đợt cao điểm thu hoạch, tiêu thụ vải.
Các loại vật dụng dùng để đóng gói vải như thùng cáctông, thùng gỗ và đặc biệt là thùng xốp trở thành mặt hàng “nóng” vào thời điểm này. Nhiều công ty, nhà xưởng tăng cường tập trung sản xuất thùng xốp.
Bà Trịnh Thị Tuyết, chủ một cơ sở sản xuất thùng xốp tại Lục Ngạn cho biết, hiện cơ sở sản xuất của bà đã có hơn 10 đại lý đặt hàng và trong 2 tháng qua đã bán ra hàng chục vạn thùng xốp. Dự kiến, trong mùa vải năm nay cơ sở sẽ sản xuất khoảng 150 vạn thùng.
Không chỉ thùng xốp mà nhu cầu về đá cây để bảo quản vải thiều cũng tăng cao. Lục Ngạn hiện có hơn 60 cơ sở sản xuất thùng xốp, đá cây.
Theo một chủ cơ sở sản xuất đá cây tại thị trấn Chũ, ngoài đáp ứng nhu cầu trong huyện, các đơn vị tại Tân Yên-Bắc Giang và tỉnh Hải Dương cũng đã đến đặt mua đá cây phục vụ cho đóng gói quả vải.
Hiện cơ sở này đang tập trung huy động thêm nhân lực, nhà xưởng, dụng cụ sản xuất… nhằm kịp thời cung ứng khoảng hơn 20 vạn cây đá cho thị trường.
Các dịch vụ phụ trợ khác như ăn, nghỉ, đi lại, thu mua, vận chuyển vải thiều cũng đã hoàn tất. Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh quán ăn, thực phẩm thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, giao công an huyện, công an các xã, thị trấn kiểm tra, bảo đảm quy định về lưu trú, an ninh trật tự. Đội Quản lý trật tự, giao thông, xây dựng và môi trường huyện, Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng huyện phối hợp tuần tra, kiểm soát, hạn chế tối đa ép cân, ép giá, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp gian lận thương mại, …
Năm nay, thời gian thu hoạch vải thiều Bắc Giang dự kiến kéo dài từ cuối tháng 5 cho đến hết tháng 7; trong đó, vải thiều chính vụ bắt đầu thu hoạch từ 15/6.
Vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang năm nay hứa hẹn một mùa vụ bội thu, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân địa phương./.
Những hình ảnh về vụ vải thiều 2018 bội thu ở Bắc Giang (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+):