Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Đại hội lần thứ XI) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp ủy, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (1).
“Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong xã hội” (2).
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân là “Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn còn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm” (3).
Theo quy định của Điều lệ Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng viên là phải đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: “Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (4).
Để thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh này.
Việc tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên phải bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, gắn tuyên truyền nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các tấm gương tiêu biểu, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đưa việc tuyên truyền, học tập nghị quyết và các luật, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào trong các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, các kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ.
Hai là, từng đảng viên, tổ chức đảng, nhất là đảng viên là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội phải thực sự gương mẫu, nêu cao vai trò, trách nhiệm đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ để tham gia tích cực vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội... vừa phải gương mẫu đi đầu không tham nhũng, vừa phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách; chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, phải sớm hoàn thiện Quy chế dân chủ trong Đảng; Quy chế về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; Quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; Quy chế giám sát trong Đảng; Quy chế nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; sửa đổi, bổ sung Quy chế chất vấn trong Đảng theo hướng đảng viên được quyền chất vấn theo quy định của Điều lệ Đảng, để đảng viên có căn cứ, cơ sở, điều kiện thực hiện tốt việc đấu tranh phê bình, bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên.
Ba là, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trong việc động viên gia đình, người thân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Mặt khác, phải có cơ chế, biện pháp tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của các đoàn thể nhân nhân, các cơ quan báo chí và của nhân dân đối với đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trong đó có thực hiện việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng về quyết định của mình, kịp thời báo cáo cho cấp ủy đảng quản lý cán bộ đó biết. Đồng thời, sớm hoàn chỉnh cơ chế khuyến khích, bảo vệ, tôn vinh người dũng cảm đấu tranh, phê bình, tố cáo tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bốn là, đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức là đảng viên.
Trên cơ sở đó thực hiện việc đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, cán bộ, công chức, tổ chức đảng một cách cụ thể, sát thực, tránh đánh giá hình thức, xuê xoa như thời gian qua./.
-----------------------------
Chú thích:
(1),(2), (3), (4): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 173, 172,175, 253.