Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết hợp tác kinh tế giữa các quốc gia láng giềng là một xu thế đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia. Thực tế đã có nhiều mô hình hợp tác xuyên biên giới được hình thành và phát triển, có vai trò đáng kể trong việc khai thác lợi thế, bổ sung cho nhau của các quốc gia láng giềng như Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Singapore, tứ giác tăng trưởng Brunei-Indonesia-Malaysia và Philippines…
Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Capuchia đã qua 14 năm tồn tại. Trong đó, việc xác định vai trò, vị trí của Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam trong phát triển vùng này và cũng là nội dung quan trọng trong việc tham gia hợp tác ở khu vực Tam giác phát triển.
Ở các mức độ khác nhau, các nhà khoa học đã chỉ ra những mặt mạnh, lợi thế và cả những khó khăn trong phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, cũng như đẩy mạnh hợp tác biên giới giữa ba nước. Những yếu tố khách quan tạo nên thuận lợi trong hợp tác là xu hướng liên kết hợp tác của khu vực, nhu cầu của các bên, sự tương đồng về địa kinh tế, địa chính trị, về văn hóa, xã hội, tiềm năng và lợi thế về tài nguyên…
Trong vùng Tam giác phát triển, Tây Nguyên là vùng rất lớn, chiếm 6,1% dân số của ba nước, có tiềm năng về rừng, đa dạng sinh học, thủy điện, là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng song còn gặp nhiều khó khăn do địa hình khá hiểm trở, đi lại khó khăn, trình độ dân trí chênh lệch...
Các đại biểu cho rằng, hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra trong hợp tác kinh tế-xã hội xuyên biên giới như các vấn đề về pháp lý, vấn đề liên quan đến việc phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, các khu kinh tế đặc biệt, các chợ biên giới; các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, di cư, bảo vệ môi trường, quản lý ngăn ngừa tội phạm xuyên biên giới. Quan trọng vẫn là bài toán phát triển, chủ động ứng phó với các thế lực thù địch.
Để thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, về phía Việt Nam phải xem Tây Nguyên là chủ yếu, là một cực tăng trưởng chính, nơi thu hút lao động, làm động lực cho vùng Tam giác phát triển, và cần phải có cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề Tây Nguyên thông qua các chính sách vùng biên cương của các nước trên cơ sở đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia./.