Vải Việt Nam cạnh tranh tốt với Trung Quốc tại thị trường Singapore

Quả vải đã lọt tốp 10 sản phẩm rau củ, trái cây có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam vào Singapore. Tại các siêu thị, quả vải Việt Nam luôn ở tình trạng khan hiếm, cạnh tranh tốt với vải Trung Quốc.
Vải Việt Nam cạnh tranh tốt với Trung Quốc tại thị trường Singapore ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mùa vải năm nay, quả vải U hồng Thanh Hà đã chính thức có mặt trên kệ của tất cả 230 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị FairPrice tại Singapore vào ngày 3/6.

Phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore về triển vọng của quả vải nói riêng và nông sản Việt nói chung tại thị trường “khó tính” này, cũng như những biện pháp nhằm duy trì vị thế và tăng thị phần của nông sản Việt.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, chính thức thâm nhập thị trường Singapore từ năm 2020, quả vải Việt Nam đã ghi dấu ấn tốt nhờ ưu thế chất lượng và giá cả.

Ngay mùa xuất đầu tiên năm 2020, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu vải lớn thứ 4 vào Singapore, vượt qua Madagascar - một cường quốc xuất khẩu vải của thế giới.

Cũng ngay từ lần xuất khẩu đầu tiên này, quả vải Việt Nam đã lọt tốp 10 sản phẩm rau củ, trái cây có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam vào Singapore. Tại các siêu thị, quả vải Việt Nam luôn ở tình trạng khan hiếm, cạnh tranh tốt với vải Trung Quốc dù mức giá cao hơn.

Bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ điều đáng mừng hơn là năm nay, khi đưa vào thị trường Singapore, ngoài tự hào với nhãn “Product of Vietnam,” quả vải còn có tem với mã QR truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vải thiều Thanh Hà.”

Đây là một hướng đi bài bản, khoa học của các cơ quan quản lý (tỉnh Hải Dương và Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương) để bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tăng cường sự nhận diện quốc tế đối với trái vải.

[Video] Xuất khẩu những tấn vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản, Singapore]

Bà Trần Thu Quỳnh cho biết hằng năm Singapore nhập khẩu hơn 2.000 tấn vải để tiêu thụ trong nước, tái xuất và chế biến vải đóng hộp. Vì vậy, dư địa cho trái vải xuất khẩu của Việt Nam ở “đảo quốc Sư tử” sẽ ngày càng mở rộng trong những năm tới.

Đối với nông sản Việt Nam tại Singapore, bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ ngoài những nông sản truyền thống như gạo, điều, tiêu, gần đây Singapore bắt đầu quan tâm nhập khẩu các sản phẩm rau củ, trái cây, cây cảnh và hoa từ Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình 7% liên tục trong giai đoạn 2017-2020.

Ngoài vải, bưởi, xoài là những trái cây mang tính mùa vụ, nhiều sản phẩm trái cây mới của Việt Nam bắt đầu có sự hiện diện cố định tại thị trường Singapore như: chanh leo, hồng xiêm, ổi xanh, ổi đỏ, chuối…

Bà cho biết các nhà nhập khẩu Singapore hiện còn quan tâm đến nhiều sản phẩm khác của Việt Nam, đặc biệt là nhãn, vú sữa, mãng cầu, các loại rau ăn lá, các loại đậu bắp, đậu rồng, dưa chuột, bí ngồi, bầu…

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, để duy trì vị thế và tăng thị phần, các doanh nghiệp cần chủ động làm công tác nghiên cứu thị trường ngành hàng hơn nữa.

Bà nhấn mạnh trong bối cảnh ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh, như Ấn Độ, Thái Lan bắt đầu phát triển mạnh các trang trại trồng vải, các doanh nghiệp của Việt Nam càng phải làm tốt công tác định vị thương hiệu và xây dựng chiến lược giá.

Bà cho biết từng ngành hàng nhập khẩu ở Singapore đều có hiệp hội để liên kết, chia sẻ các thông tin về giá và thị trường. Vì vậy, là nhà xuất khẩu, Việt Nam cần liên kết các doanh nghiệp để không “dẫm chân” nhau về thị trường, không chào hàng để cạnh tranh phá giá, tiến tới “chuyên môn hóa” phân khúc thị trường nước ngoài...

Bà Trần Thu Quỳnh nhận xét chiến lược kinh doanh của nhóm hàng nông sản sẽ rất khác biệt với nhóm hàng công nghệ hay thực phẩm chế biến. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu càng cần xác định chiến lược thâm nhập thị trường bền vững, ổn định, dựa trên chữ tín và tinh thần đối tác, tránh cách thức làm ăn manh mún, chụp giật.

Để có được những kết quả đáng khích lệ hiện nay, trong những năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã hỗ trợ doanh nghiệp từ đàm phán mở cửa thị trường, cung cấp thông tin kết nối doanh nghiệp, xác minh doanh nghiệp; cho đến vận động, quảng bá để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ giải quyết tranh chấp chất lượng, thanh toán…

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng tham gia sâu vào công tác nghiên cứu thị trường, theo dõi diễn biến cung cầu và thị hiếu/phản hồi của người tiêu dùng sở tại. Ngoài ra, còn tham gia công tác bảo hộ hàng hóa tài sản của doanh nghiệp ở nước ngoài khi có tranh chấp, hỗ trợ xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến sản phẩm...

Bà Trần Thu Quỳnh cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19, khi hàng loạt sự kiện hội chợ và kết nối giao thương ở nước sở tại bị hủy bỏ, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã linh hoạt đổi mới cách thức hoạt động.

Hằng tháng, Thương vụ đều đặn tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối các ngành hàng, các địa phương để giới thiệu các cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước. Nhờ đó, doanh nghiệp hai nước có thể dễ dàng nắm bắt ngay lập tức các cơ hội giao thương, tương tác kịp thời với Thương vụ để hỗ trợ kết nối.

Thương vụ cũng đang nhanh chóng triển khai các “gian hàng ảo” của các doanh nghiệp trên trang thông tin của Thương vụ, cho phép kết nối nhanh đến website của doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là một kênh hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhà nhập khẩu, quảng bá sản phẩm, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trong bối cảnh dịch bệnh, được sự quan tâm hưởng ứng của cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp sở tại.

Bên cạnh đó, gần đây Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng mạnh dạn thử nghiệm các hình thức xúc tiến thương mại thông qua hoạt động văn hóa, ẩm thực.

Đây là hình thức xúc tiến thương mại sáng tạo, thể hiện hiệu quả tốt trong bối cảnh dịch bệnh, giúp người dân Singapore trong khi thực hiện giãn cách xã hội có thêm sự nhận diện về một số thương hiệu thực phẩm chế biến của Việt Nam; có thêm thông tin về ẩm thực Việt Nam, từ đó quan tâm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.