Vận chuyển an toàn gần 2.000 tấn trang bị, hàng hóa tới phái bộ UNISFA

Đây là lần vận chuyển hàng hóa, trang bị lớn nhất từ trước đến nay của một đội hình cấp đơn vị của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Vận chuyển an toàn gần 2.000 tấn trang bị, hàng hóa tới phái bộ UNISFA ảnh 1Đội Công binh số 1 chuẩn bị các phương tiện xe, máy trước ngày lên đường. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Từ ngày 30/3-4/4, gần 2.000 tấn trang bị, hàng hóa của Đội Công binh số 1 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ tại Abyei (UNISFA), được vận chuyển từ điểm tập kết đến cảng Hải Phòng để chuẩn bị chuyển tới phái bộ theo đường hàng hải.

Đây là lần vận chuyển hàng hóa, trang bị lớn nhất từ trước đến nay của một đội hình cấp đơn vị của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Đại tá Mạc Đức Trọng, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ Abyei, Đội trưởng Đội Công binh số 1 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để có những thông tin chi tiết hơn xoay quanh hoạt động lần này.

- So với các đội hình cấp đơn vị của Việt Nam đã từng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đây là lần cử quân với số lượng thành viên lớn nhất. Đại tá có thể chia sẻ rõ hơn về những nỗ lực và cố gắng của Đội Công binh số 1 đối với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, trang bị lần này?

Đại tá Mạc Đức Trọng: Việc Việt Nam được Liên hợp quốc lựa chọn và mời cử Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNISFA ở khu vực Abyei, khu vực biên giới giữa Sudan và Nam Sudan là cả một quá trình chuẩn bị rất lâu dài của Việt Nam, từ chuẩn bị về con người đến trang thiết bị.

[Vận chuyển gần 2.000 tấn trang bị, hàng hóa tới phái bộ LHQ]

Liên hợp quốc có những tiêu chuẩn rất cao và chặt chẽ về con người cũng như trang thiết bị, đặc biệt là tiêu chuẩn về chất lượng chuyên môn của từng bộ phận. Đội Công binh số 1 đã được thành lập theo quyết định của Bộ Quốc phòng, bao gồm thành viên đến từ rất nhiều cơ quan đơn vị trong Quân đội, trong đó nòng cốt là lực lượng Binh chủng Công binh, Binh chủng Đặc công, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Binh chủng Thông tin Liên lạc và các lực lượng quân y trong toàn quân.

Công tác chuẩn bị của Đội Công binh đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn tất.

Từ ngày 30/3/2022, Liên hợp quốc đã chính thức cử tàu biển đến cảng Hải Phòng để đón nhận hàng hóa của Việt Nam.

Dự kiến hàng hóa của Việt Nam sẽ di chuyển từ điểm tập kết ra cảng Hải Phòng trong vòng 4 ngày, từ 30/3-4/4, sau đó sẽ đưa hàng lên tàu từ ngày 4/4 và sau đó bắt đầu hành trình vận chuyển hàng hóa tới phái bộ.

Theo kế hoạch ban đầu, từ tháng 3/2022, Đội Công binh Việt Nam đã phải có mặt tại phái bộ và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên do những trục trặc, khó khăn về tàu biển và đường hàng hải quốc tế cũng như về kỹ thuật tàu, chuyến tàu này bị chậm so với dự kiến của Việt Nam cũng như của Liên hợp quốc.

Toàn bộ trang thiết bị công binh đi đợt này có 147 các loại xe, máy bao gồm các loại xe máy công binh công trình, các loại xe tải trong đó có cả các xe bảo vệ lực lượng.

Quân số của Đội Công binh là 184 người, dự kiến cuối tháng 4/2022 đội tiền trạm sẽ lên đường để sang đón nhận toàn bộ các hàng hóa trang bị này từ cảng Sudan và tại phái bộ Abyei.

Sau khi đoàn tiền trạm đã đến phái bộ và triển khai doanh trại, triển khai hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống văn phòng, đoàn chính sẽ tới Abyei dự kiến vào ngày 10/5/2022. Cơ bản chúng ta phải có mặt vào tháng 5/2022, trước khi khu vực này bắt đầu vào mùa mưa.

- Lần đầu tiên Việt Nam có Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng đồng nghĩa với việc đây là lần đầu chúng ta thực hiện vận chuyển một lượng hàng hóa trang bị với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tới phái bộ. Đại tá đánh giá như thế nào về ý nghĩa và mức mức độ quan trọng của lần vận chuyển này?

Đại tá Mạc Đức Trọng: Tổng khối lượng hàng hóa trang bị cần vận chuyển đợt này khoảng 2.000 tấn, do đó đặt ra rất nhiều vấn đề về an toàn trong công tác chuẩn bị, trong quá trình vận chuyển lên tàu và đặc biệt là từ cảng Sudan vào trong khu vực phái bộ.

Vận chuyển an toàn gần 2.000 tấn trang bị, hàng hóa tới phái bộ UNISFA ảnh 2Kiểm tra thông số an toàn để vận chuyển các loại xe, máy chuyên dụng ra cảng biển trước ngày xuất bến lên đường đi phái bộ Liên hợp quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Về cơ bản phía Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục về pháp lý cũng như các vấn đề an toàn cho xe, đặc biệt là các vấn đề về tháo lắp, bảo quản các bộ phận dễ vỡ ra để cho vào container.

Ngoài ra, Đội Công binh cũng phải gia cố những thiết bị trên xe khi không thể tháo ra được, như bình xăng, bình ắc quy để tránh trường hợp có thể bị xảy ra các vấn đề về an ninh, an toàn. Tất cả các công tác về bảo đảm an toàn đã được chuẩn bị rất đầy đủ. Tuy nhiên trên đường đi có thể có nhiều vấn đề phát sinh.

Về vấn đề này, Việt Nam và Liên hợp quốc cũng đã phối hợp với nước chủ nhà Sudan để bảo đảm tối đa cho chuyến hàng của chúng ta từ cảng Sudan vào nội địa và đi đến Abyei với hành trình trên 2.000km đường nội địa.

- Xin Đại tá chia sẻ rõ hơn về những kế hoạch tiếp theo của Đội Công binh trước khi lên đường?

Đại tá Mạc Đức Trọng: Công tác chuẩn bị cho Đội Công binh đến hiện tại cơ bản đã hoàn tất và chúng tôi sẽ lưu ý các vấn đề về phòng, chống dịch COVID-19 trước khi lên đường.

Toàn bộ lực lượng của Đội sẽ cách ly khoảng 20-30 ngày trước khi lên đường để đảm bảo các thành viên của Đội không bị mắc COVID-19.

Ngoài ra chúng tôi cũng đã phân công nhiệm vụ để làm sao mang được những hành lý cá nhân đủ duy trì cuộc sống dọc đường hành quân.

Con đường hành quân lần này tương đối phức tạp vì để tới được phái bộ thì chặng đường đi có những đặc điểm riêng về sân bay, bãi đỗ, các vấn đề cất hạ cánh của các loại máy bay... nên tương đối phức tạp.

Đối với việc di chuyển của các thành viên Đội Công binh, chúng tôi sẽ đi từ sân bay Nội Bài đến Entebbe (Uganda) – đây là trạm căn cứ hậu cần của Liên hợp quốc, là đầu mối trung gian để làm công tác thủ tục chuẩn bị vào phái bộ tại Abyei.

Đội Công binh sẽ ở đây từ 2-3 ngày, sau đó di chuyển dần trên các chuyến bay nhỏ hơn để từ Uganda sang Khartoum (Sudan) và từ đó lại bay đến Khaduqil (Sudan), một căn cứ trung chuyển của Liên hợp quốc cách Abyei 200km.

Tại Khaduqli, có thể chúng tôi sẽ tiếp tục phải sàng lọc COVID-19 theo quy định của Liên hợp quốc, sau đó sẽ di chuyển bằng trực thăng từng chuyến một, mỗi chuyển khoảng 20 người từ Khaduqli đến Abyei.

Đây là một hành trình rất dài nên trong bộ phận tiền trạm Đội cũng đã chuẩn bị rất tốt về cơ cấu lực lượng, trong đó phải có bác sỹ, có các đồng chí phụ trách chủ trì của các phân đội, đặc biệt là huy động tối đa các đồng chí có khả năng lái tất cả các loại xe, máy, vì chúng ta có gần 150 các loại xe, máy nhưng thuộc rất nhiều chủng loại khác nhau.

Do đó, các đồng chí đi trước sẽ phải là lực lượng rất đa nhiệm, không chỉ lái được tất cả các loại máy mà phải dỡ, bốc xếp hàng hóa vào căn cứ để đón đoàn chính sang, nhằm bảo đảm yêu cầu của Liên hợp quốc là khi đón đoàn chính sang chúng ta có thể bắt tay vào công việc tại phái bộ ở Abyei ngay lập tức.

- Trân trọng cảm ơn Đại tá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục