"Ván cược" của Thổ Nhĩ Kỳ khi giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gia nhập vào hàng ngũ các nước muốn cạnh tranh nhau trong nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu thay thế chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát hiện nay.
"Ván cược" của Thổ Nhĩ Kỳ khi giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc ảnh 1Đường phố tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, sự suy giảm mạnh mẽ được dự đoán từ trước về trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong vòng 2 năm tới cùng với những động thái nhằm đa dạng hóa các chuỗi cung ứng có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào hàng ngũ các nước muốn cạnh tranh nhau trong nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu thay thế chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát hiện nay, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây dường như là một "ván cược" nguy hiểm và rủi ro đối với Ankara.

Đây là nội dung chính của báo cáo vừa mới được công bố do Tập đoàn Tư vấn Boston đại diện cho Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ (TAIK) thực hiện.

Theo báo cáo này, Thổ Nhĩ Kỳ có những điều kiện tiên quyết để có thể trở thành một đầu mối then chốt trong các chuỗi cung ứng quan trọng không phụ thuộc vào Trung Quốc, miễn là nước này đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, điện tử và thiết bị.

Báo cáo này cũng xác định châu Phi là khu vực mà các công ty của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặt hái lợi nhuận. Trong những năm gần đây, Ankara đã mở rộng đáng kể dấu ấn ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế ở châu Phi.

Đây cũng là khu vực mà Trung Quốc đã có những thâm nhập sâu rộng và có thể nổi lên là một “người chơi” chủ đạo, nhất là ở những nước như Ai Cập vốn có nguy cơ đối mặt với tình trạng sụp đổ kinh tế. 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tham gia vào những dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ giúp nước này đạt được nhiều mục tiêu của mình như thúc đẩy nền kinh tế đất nước vốn bị suy sụp bởi đại dịch COVID-19 kèm theo tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, thúc đẩy các vấn đề mang tính cấu trúc cũng như tận dụng những thắng lợi địa chính trị gần đây đạt được thông qua việc can thiệp quân sự ở Libya, hậu thuẫn Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia và những năng lực đã được minh chứng về khí tài quân sự được chế tạo trong nước, đặc biệt là thiết bị bay không người lái.

[Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ trỗi dậy quá đà?]

Để tăng cường cơ hội trở thành một đầu mối then chốt trong chuỗi cung ứng thay thế chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát, Ankara cần đánh bóng hình ảnh đã bị méo mó của mình bằng cách nỗ lực cải thiện mối quan hệ căng thẳng với hai cường quốc khu vực khác là Saudi Arabia và Israel đồng thời gây sức ép với Iran, một động thái sẽ làm hài lòng châu Âu và Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Ngoài ra, việc trở thành một đầu mối then chốt trong chuỗi cung ứng thay thế cũng giúp thúc đẩy tham vọng của Ankara tận dụng khoảng trống quyền lực do sự suy giảm can dự của Mỹ trong khu vực để tạo ra vị trí riêng của mình trong một thế giới mà quyền lực đang được tái cân bằng do hệ quả của cạnh tranh cường quốc lớn.

Một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ cũng thấy rõ điều này khi nhận định: “Sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cơ hội đáng kể cho hợp tác địa chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ đều được hưởng lợi về kinh tế.”

Báo cáo trên được công bố chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden lên nắm quyền. Động thái này dường như nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Ankara vào thời điểm mối quan hệ của nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trở nên căng thẳng.

Washington gần đây đã áp đòn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, trong khi EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì phản đối những hoạt động khai thác khí đốt gây tranh cãi mà Ankara tiến hành tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Vì vậy, hãng tư vấn và chiến lược chính trị lưỡng đảng Mercury Public Affairs đã gửi báo cáo này đến các nhà hoạch định chính sách và các nhà định hình quan điểm của Mỹ nhằm thay đổi quan điểm của Washington về Ankara cũng như về Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

"Ván cược" của Thổ Nhĩ Kỳ khi giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc ảnh 2Quốc kỳ Anh (phải) và Thổ Nhĩ Kỳ (trái). (Ảnh: Euractiv/TTXVN)

Là một phần trong nỗ lực này, tuần trước, TAIK cùng với hiệp hội doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ DEIK, đã tổ chức một hội thảo trực tuyến nhằm đề cao những đóng góp của lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19, vốn đều là người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc có liên hệ với các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, tháng 6/2020, TAIK cũng tiến hành chiến dịch trực tuyến nhằm nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phát biểu với tiêu đề “Đã đến lúc để các đồng minh trở thành đồng minh: Chuỗi cung ứng toàn cầu Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ,” Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - một đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump - đã thừa nhận tầm quan trọng của Ankara, lưu ý rằng việc thúc đẩy quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Washington có thể được thiết lập thông qua quá trình hội nhập kinh tế thông qua một hiệp định thương mại tự do.

Ông Graham dự đoán rằng châu Phi sẽ là “giải thưởng của thế kỷ 21”, đồng thời hy vọng rằng Mỹ và các đồng minh - chứ không phải Trung Quốc - sẽ là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ cho lục địa này.

Tuy nhiên, ông Graham cảnh báo rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga sẽ khiến Washington hủy bán máy bay chiến đấu F-35 hiện đại cho Ankara và sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria là những trở ngại lớn nhất đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ đạt được mục tiêu trở thành đầu mối chính trong các chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ tái định hình.

Ông Erdogan có thể coi những thành công về địa chính trị và những nỗ lực của mình trong việc thiết lập quan hệ với Saudi Arabia và Israel là công cụ khích lệ niềm tin, nhưng điều đó không nói lên được gì nhiều về việc một trong hai đảng ở quốc hội Mỹ chia rẽ hiện nay sẽ nhìn nhận những thành công và nỗ lực của Ankara như thế nào.

Trong khi đó, các nước cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ khi muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thay thế chuỗi cung ứng do Bắc Kinh kiểm soát dường như đang “đi trước đón đầu.” Cho đến nay, có ít dấu hiệu cho thấy Tổng thống Erdogan sẵn sàng rút lực lượng khỏi Syria hoặc mạo hiểm với mối quan hệ vốn đã phức tạp của mình với Nga bằng cách rút lại thương vụ S-400 với Moskva. 

Tuần này, ông Erdogan nói với các nghị sỹ quốc hội thuộc Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền rằng sự khác biệt với Mỹ và EU là “chương trình nghị sự giả tạo,” và rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với các tiêu chuẩn kép trong cả vấn đề thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải và việc mua sắm hệ thống S-400.

Ông khẳng định: “Thổ Nhĩ Kỳ muốn cùng EU và Mỹ bước sang một trang mới trong Năm mới.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đánh cược với chính quyền ông Biden khi ưu tiên giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách thông qua các chính sách mà học giả nghiên cứu những vấn đề quốc tế Aaron L. Friedberg miêu tả là “ít nhất phần nào tách biệt khỏi sức ép chính trị hàng ngày.”

Đây có thể sẽ là một "ván cược" đầy nguy hiểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.